Bị viêm da cơ địa nên ăn gì và kiêng gì để nhanh khỏi bệnh ?
Bệnh nhân viêm da cơ địa nên bổ sung các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu Omega 3 và probiotic nhằm tăng tốc độ hồi phục, dưỡng ẩm da và giảm ngứa ngáy. Bên cạnh đó, cần kiêng cử một số thực phẩm và đồ uống làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh như rượu bia, cà phê, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ,…

Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một dạng viêm da mãn tính, có thể gặp ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Bệnh có tính chất tái phát nhiều lần và tiến triển dai dẳng. Trong giai đoạn cấp tính, viêm da cơ địa thường phát sinh các triệu chứng đột ngột, gây ngứa ngáy khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Do chưa thể xác định được nguyên nhân gây bệnh nên hiện tại vẫn không có biện pháp điều trị dứt điểm viêm da cơ địa. Tuy nhiên theo các chuyên gia Da liễu, triệu chứng và tiến triển của bệnh có thể thuyên giảm đáng kể nếu bệnh nhân chăm sóc da đúng cách và thiết lập thói quen dinh dưỡng hợp lý.
Ngoài thói quen dưỡng ẩm và bảo vệ da, chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố tác động đến tiến triển của bệnh viêm da cơ địa. Theo các chuyên gia, một chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch, duy trì độ ẩm cho làn da và ngăn chặn các triệu chứng bùng phát đột ngột.

Ngược lại, thói quen ăn uống bừa bãi và thường xuyên sử dụng các thực phẩm không lành mạnh có thể kích thích triệu chứng phát sinh, gây ngứa ngáy dữ dội và khiến vùng da tổn thương có xu hướng lây lan nhanh chóng.
Do đó ngoài việc sử dụng thuốc, điều chỉnh thói quen sinh hoạt khoa học, bệnh nhân viêm da cơ địa cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng nhằm kiểm soát triệu chứng, rút ngắn thời gian hồi phục và ngăn chặn tiến triển của bệnh.
Bị viêm da cơ địa nên ăn gì?
Trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh, bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh nhằm nâng cao thể trạng, làm giảm tổn thương da, cải thiện hiện tượng sưng viêm và ngứa ngáy. Phối hợp việc sử dụng thuốc với chế độ ăn hợp lý có thể rút ngắn thời gian điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống đáng kể.
1. Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây
Trái cây và rau xanh là nhóm thực phẩm lành mạnh và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Chất xơ, nước, khoáng chất và các vitamin trong nhóm thực phẩm này không chỉ có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón mà còn duy trì độ ẩm cho làn da, thúc đẩy tốc độ phục hồi và giảm tình trạng mẩn đỏ, ngứa ngáy do viêm da cơ địa gây ra.

Ngoài ra các vitamin và chất chống oxy hóa trong trái cây và rau xanh còn giúp sửa chữa và phục hồi các mô da bị tổn thương:
- Vitamin E: Vitamin E có tác dụng dưỡng ẩm, giảm tình trạng khô ráo và bong tróc. Ngoài ra loại vitamin này còn có tác dụng chống oxy hóa, làm dịu vùng da tổn thương và cải thiện triệu chứng ngứa ngáy đáng kể. Các loại rau xanh và trái cây chứa nhiều vitamin E bao gồm quả bơ, nấm, mè đen, rau bina,…
- Vitamin A: Vitamin A có nhiều trong các loại rau và củ màu cam, đỏ như cà rốt, rau dền đỏ, củ khoai lang, khoai tây, đu đủ… Vitamin A không chỉ tốt cho thị lực mà còn tác động tích cực quá trình hồi phục của mô da. Loại vitamin này thúc đẩy sản sinh collagen, loại bỏ các tế bào hư tổn và tăng sinh các mô da mới.
- Vitamin C: Vitamin C hay còn gọi là ascorbic acid là một trong những loại vitamin thiết yếu đối với làn da. Ascorbic acid có tác dụng chống oxy hóa mạnh, tạo hàng rào bảo vệ da và tiêu trừ các sắc tố đen sạm melanin. Bổ sung vitamin C thường xuyên có thể hạn chế tình trạng thâm sạm ở vùng da tổn thương.
- Quercetin: Quercetin là thành phần chống oxy hóa tự nhiên có trong nhiều loại rau xanh và trái cây. Thành phần này không tác động trực tiếp đến độ ẩm và quá trình phục hồi da. Tuy nhiên theo các bác sĩ da liễu, cung cấp Quercetin thường xuyên có thể điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch, làm giảm và ngăn chặn các triệu chứng của viêm da cơ địa bùng phát.
Đọc thêm: Chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không – Cách làm đúng từ A-Z
2. Thực phẩm chứa probiotic
Probiotic (lợi khuẩn) là các men vi sinh có lợi cho hoạt động của đường ruột. Bổ sung thực phẩm chứa probiotic có tác dụng điều hòa nhu động ruột, hạn chế táo bón và tiêu chảy.
Ngoài ra nhóm thực phẩm này còn có tác dụng cải thiện tình trạng viêm và ngứa ngáy do các bệnh viêm da mãn tính gây ra như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, chàm, vảy nến,…

Các loại thực phẩm chứa nhiều probiotic mà bạn nên bổ sung, bao gồm sữa chua, sữa chua uống, phô mai, kim chi. Tuy nhiên nhóm thực phẩm này thường có chứa acid nhẹ nên bạn cần tránh ăn khi bụng đói.
3. Tập trung vào nhóm thực phẩm giàu Omega 3
Omega 3 là acid béo không no có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm tự nhiên. Bổ sung thực phẩm giàu Omega 3 (cá hồi, bơ, các loại hạt,…) có thể duy trì độ ẩm cho làn da, giảm gãy rụng tóc, ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch và cải thiện phản ứng viêm mãn tính.

Theo một số nghiên cứu, bệnh nhân bị viêm da cơ địa bổ sung nhiều Omega 3 có các cải thiện lâm sàng rõ rệt như da ít bị khô, giảm ngứa, vùng da tổn thương nhanh phục hồi và ít có dấu hiệu lây lan trên phạm vi rộng. Ngoài ra Omega 3 còn có tác dụng tiêu trừ gốc tự do – một trong những nguyên nhân kích thích triệu chứng của viêm da cơ địa bùng phát mạnh.
4. Nên bổ sung thực phẩm giàu protein
Protein (đạm) là thành phần dinh dưỡng cần thiết đối với cơ bắp, xương khớp và hệ thần kinh. Ngoài ra đạm còn có vai trò quan trọng đối với niêm mạc và mô da.
Sau khi được chuyển hóa, một lượng đạm nhất định sẽ trở thành collagen. Collagen thực chất là một loại protein đặc biệt có khả năng kết dính các mô bên trong cơ thể như mô da, tóc, sụn khớp, móng,… Vì vậy bệnh nhân bị viêm da cơ địa nên bổ sung các thực phẩm giàu nguồn đạm lành mạnh như đậu, nấm, cá, thịt gà, sữa nhằm giúp rút ngắn thời gian hồi phục, giảm sưng và giảm hiện tượng thâm sạm ở vùng da tổn thương.
5. Uống đủ nước
Mặc dù nước không phải là một loại thực phẩm nhưng nước có vai trò rất quan trọng đối với bệnh viêm da cơ địa. Bởi bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng da khô, bong tróc, viêm đỏ và ngứa ngáy.

Việc cung cấp đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày có thể duy trì độ ẩm cho làn da, giảm tình trạng thô ráp, ngứa ngáy và sưng đỏ. Hơn nữa uống nhiều nước còn giúp cơ thể thanh lọc độc tố, điều hòa thân nhiệt và ngăn chặn các triệu chứng của viêm da cơ địa bùng phát trong tương lai.
Bên cạnh việc bổ sung nước lọc, bạn có thể cung cấp cho cơ thể chất lỏng, vitamin và khoáng chất bằng các loại nước ép từ trái cây và rau xanh.
Ngoài những nhóm thực phẩm nêu trên, bạn cũng có thể cân bằng giá trị dinh dưỡng với các thực phẩm lành mạnh khác như yến mạch, gạo lứt, các loại nấm, sử dụng dầu từ các loại hạt,…
Bệnh nhân viêm da cơ địa cần kiêng gì?
Viêm da cơ địa là bệnh da liễu mãn tính có thể bùng phát khi có yếu tố kích thích. Vì vậy bạn cần kiêng cử các nhóm thực phẩm có khả năng dị ứng cao, thực phẩm chứa quá nhiều dinh dưỡng, gia vị cay nóng,… Bổ sung các nhóm thực phẩm này thường xuyên có thể khiến triệu chứng bùng phát mạnh, gây ngứa dữ dội, thâm sạm da và tăng nguy cơ bội nhiễm.
1. Đồ uống chứa chất kích thích
Chất kích thích là yếu tố hàng đầu gây bùng phát các triệu chứng của viêm da cơ địa. Vì vậy bạn cần hạn chế sử dụng các đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, trà đặc, rượu bia,…

Thay vào đó, bạn có thể sử dụng các loại trà không chứa caffeine như trà bạc hà, trà hoa cúc, trà quế hoặc trà gừng để giữ đầu óc tỉnh táo mà không ảnh hưởng xấu đến tiến triển của bệnh.
2. Thực phẩm có khả năng dị ứng cao
Bệnh nhân bị các bệnh viêm da mãn tính thường có cơ địa dễ dị ứng hơn so với người bình thường. Khi xuất hiện phản ứng dị ứng, các triệu chứng của bệnh có khả năng phát sinh đột ngột và gây ngứa dữ dội.
Do đó bạn cần hạn chế các loại thực phẩm đã có tiền sử dị ứng, đồng thời cần thận trọng khi sử dụng các thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, rươi, hải sản, nấm,…
3. Thực phẩm cay nóng, nhiều chất bảo quản và dầu mỡ
Thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ và chất bảo quản có thể kích thích phản ứng viêm và khiến tổn thương da lây lan trên diện rộng. Hơn nữa nhóm thực phẩm này còn làm chậm quá trình hồi phục da, kích thích triệu chứng ngứa và làm tăng nguy cơ bội nhiễm ở vùng da tổn thương.
Ngoài ra việc thu nạp thức ăn cay nóng, nhiều gia vị và dầu mỡ còn làm giảm hoạt động đề kháng của cơ thể. Hệ miễn dịch suy giảm là điều kiện thuận lợi để các bệnh viêm da mãn tính nói chung và viêm da cơ địa nói riêng bùng phát mạnh.
4. Đồ ăn chứa nhiều đường
Đường là một trong những loại gia vị được yêu thích và sử dụng phổ biến. Tuy nhiên đường không chỉ gây tăng cân, tăng đường huyết mà còn ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh viêm da cơ địa.

Các bác sĩ da liễu cho biết, bổ sung quá nhiều đường khiến nồng độ insulin tăng lên đột ngột và kích thích triệu chứng của bệnh bùng phát dữ dội. Hơn nữa đường còn làm tăng phản ứng viêm và khiến tổn thương da có xu hướng nghiêm trọng hơn.
5. Thực phẩm chứa nhiều niken
Niken là khoáng chất có trong một số loại thực phẩm như động vật có vỏ, đậu lăng, socola và đậu hà lan. Theo thống kê, những người bị các tình trạng viêm da mãn tính thường dễ dị ứng với vật dụng và thực phẩm có chứa niken.
Vì vậy để làm giảm các triệu chứng trên da và ngăn ngừa triệu chứng tái phát, bạn nên hạn chế tiếp xúc với vật dụng và tránh bổ sung các thực phẩm có chứa niken.
Thực tế cho thấy, bệnh nhân có chế độ chăm sóc da, sinh hoạt khoa học và ăn uống điều độ đều có đáp ứng tốt với phương pháp điều trị, thời gian hồi phục được rút ngắn và giảm tần suất triệu chứng tái phát.
Bài viết đã giải đáp vấn đề “Bị viêm da cơ địa nên ăn gì, kiêng gì?” và nêu ra tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh lý này. Trong trường hợp bạn có các vấn đề sức khỏe đặc biệt (tiểu đường, cao huyết áp, hội chứng ruột kích thích), vui lòng trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và hướng dẫn về chế độ ăn hợp lý.
Tìm hiểu thêm: Chữa viêm da cơ địa bằng Đông y: Giải pháp an toàn hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!