Trầm Cảm Khi Mang Thai: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Chữa An Toàn
Trầm cảm khi mang thai có thể xảy ra vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối. Nguyên nhân gây bệnh tương đối đa dạng nhưng luôn có sự tham gia của rối loạn nội tiết tố, stress và yếu tố di truyền. Phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm nên điều trị cần ưu tiên những biện pháp an toàn như trị liệu tâm lý và các biện pháp tự cải thiện.
Trầm cảm khi mang thai là bệnh gì?
Trầm cảm khi mang thai không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi. Việc hạn chế những hậu quả của bệnh sẽ giúp cho mẹ bầu có những cách phòng và điều trị hợp lý nhất.
Việc xác định bị trầm cảm khi mang thai là một vấn đề không hề dễ dàng. Không ít mẹ bầu chưa nhận ra hoặc muốn che giấu việc mình bị bệnh. Vì thế nên khi phát hiện bệnh thì đã khá muộn. Thường là bệnh đã rơi vào giai đoạn nặng và để lại những hậu quả đáng tiếc.
Theo số liệu thống thống kê tổng quát, có từ 14% đến 23% phụ nữ bị mắc bệnh trầm cảm khi mang thai. Ít nhất 10% mẹ bầu có thể mắc bệnh lý này. Đây thậm chí là một bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy hiểm hơn cả những bệnh truyền nhiễm.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Bristol đã cho hai nhóm phụ nữ mang thai ở độ tuổi khoảng 22–23 làm bài kiểm tra độ trầm cảm. Một nhóm gồm 2.390 bà mẹ sinh con vào đầu những năm 1990 và nhóm kia gồm 180 bà mẹ ở thế hệ tiếp theo (là con gái hoặc con dâu của những phụ nữ thế hệ trước).
Kết quả đánh giá cho thấy có 17% bà mẹ ở thế hệ trước bị trầm cảm trong khi có tới 25% bà mẹ ở thế hệ sau bị mắc chứng này. Khả năng bị trầm cảm khi có bầu ở phụ nữ trẻ ngày nay cao hơn tới 51% so với thế hệ trước. Các nhà khoa học cho biết sự gia tăng tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm trong lúc có con đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những quan tâm y tế cần có để cải thiện tình trạng này.
Nguyên nhân gây trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm khi mang thai do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể là do yếu tố bên trong cơ thể lẫn các tác động từ bên ngoài khiến phụ nữ mắc phải căn bệnh này. Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản:
1. Thay đổi hormone bên trong cơ thể
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ xảy ra nhiều biến đổi về mặt sinh lý lẫn tâm lý. Trong đó, vấn đề thay đổi nội tiết tố là nguyên nhân khiến cho phụ nữ dễ rơi vào trạng thái trầm uất nguy hiểm. Những rối loạn do estrogen gây ra sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thai phụ, khiến họ trở nên nhạy cảm và dễ xúc động hơn.
Thông thường, phụ nữ khi mắc phải chứng trầm cảm sẽ có nhiều suy nghĩ tiêu cực về bản thân và đứa trẻ. Điều này là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm. Bởi, bệnh có thể khiến phụ nữ thực hiện những hành động gây hại cho chính mình và con. Sự thay đổi hormone khiến phụ nữ khi mang thai cảm thấy khó chịu, dễ nổi giận, suy nghĩ tiêu cực,…
2. Chưa sẵn sàng làm mẹ
Tình trạng này thường gặp ở các bà mẹ trẻ, do mang thai ngoài ý muốn,…khiến việc có con trở thành áp lực làm họ cảm thấy căng thẳng. Chính vì tâm lý chưa sẵn sàng, suy nghĩ chưa thật sự chín chắn khiến cho quá trình mang thai trở nên nặng nề.
Qua một vài nghiên cứu tại Mỹ, đối tượng nữ giới kết hôn ở độ tuổi vị thành niên có xu hướng mắc bệnh trầm cảm khi mang thai cao hơn so với nữ giới đã có sự chín chắn về độ tuổi. Không những thế, việc chưa chuẩn bị tâm lý khiến cho việc mang thai trở thành rắc rối và phiền toái đối với phụ nữ.
3. Do di truyền
Thêm một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng trầm cảm khi mang thai đó là yếu tố di truyền. Theo các chuyên gia, bệnh trầm cảm có thể bắt nguồn từ người thân trong gia đình, sau đó di truyền sang cho con cái. Vì thế, những người phụ nữ có tiểu sử người thân mắc phải căn bệnh này sẽ có nhiều nguy cơ trầm cảm khi mang thai hơn so với những phụ nữ khác.
4. Gặp vấn đề trong các mối quan hệ
Sự đồng tình, ủng hộ của người thân trong gia đình đối với việc mang thai của nữ giới có vai trò rất quan trọng. Nếu không nhận được sự yêu thương và cảm thông từ người chồng, người thân, phụ nữ rất dễ rơi vào trạng thái buồn bã, lo lắng kéo dài. Điều này là nguyên nhân khiến cho mẹ bầu dễ mắc bệnh trầm cảm, dẫn đến nhiều hành động gây hại cho bản thân và thai nhi.
5. Người phụ nữ bị lạm dụng tình dục
Bị lạm dụng tình dục, bị đối xử tệ hại, thiếu tôn trọng có thể làm phụ nữ mang thai có những suy nghĩ tiêu cực. Đó cũng chính là nguyên nhân trực tiếp làm cho họ bị trầm cảm.
6. Rối loạn chức năng tuyến giáp khi mang thai
Quá trình thay đổi hormon thai kỳ có thể làm cho tuyến giáp bị ảnh hưởng. Từ đó, các hormon của tuyến giáp cũng bị rối loạn. Hậu quả là thai phụ dễ mắc bệnh trầm cảm.
7. Hoàn cảnh sống thực tế
Một số hoàn cảnh nhất định có thể dẫn đến bệnh trầm cảm ở thai phụ. Chẳng hạn như bị chồng hành hạ, gia đình ruồng bỏ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mất mát người thân,…
8. Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố gia tăng nguy cơ trầm cảm:
- Tiền sử đã mắc bệnh trầm cảm
- Gia đình có người bị trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực
- Các bệnh tật không được điều trị tốt khi còn nhỏ
- Thai phụ không nhận được sự quan tâm đầy đủ của gia đình và xã hội
- Thai phụ sống trong gia đình có các vấn đề về bạo hành chồng vợ…
- Mang thai ngoài ý muốn: có những trường hợp người mẹ chưa được chuẩn bị về tâm lý về việc có con cũng là một yếu tố dẫn đến trầm cảm.
Biểu hiện của bệnh trầm cảm khi mang thai
Về cơ bản, dấu hiệu trầm cảm khi mang thai khá giống trầm cảm ở những đối tượng khác. Để chắc chắn hơn, bạn có thể làm bài test và tự chấm điểm trầm cảm:
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thất vọng hoặc trống rỗng.
- Dễ cáu kỉnh, bối rối, lo âu hoặc thường xuyên khóc vô cớ.
- Giảm hoặc mất hứng thú đối với môi trường xung quanh.
- Giảm hoặc tăng cân trên 5% trọng lượng cơ thể trong vòng một tháng.
- Kích thích tăng động hoặc chậm chạp.
- Nhịp tim tăng, có hiện tượng choáng ngất, toát mồ hôi, khó thở, cảm thấy mình giống như bị suy tim hoặc có cái gì đó đang tấn công mình.
- Hành xử và kỹ năng xã hội không được như trước, phán đoán không linh hoạt.
Trầm cảm khi mang thai có nguy hiểm không?
Trầm cảm khi mang thai, nhất là khi trầm cảm không được theo dõi và hướng dẫn điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa Tâm thần có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Ảnh hướng đến thai nhi: Trầm cảm khi mang thai ngoài việc gây ra những hậu quả không tốt với thai phụ thì đối với thai nhi chứng trầm cảm ở mẹ có thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai, đẻ non, thai nhi phát triển không tốt, sau khi sinh có thể thai nhi gặp phải một số chứng bệnh như tự kỷ, chậm phát triển.
Có thể gây ra bệnh trầm cảm sau sinh: Trầm cảm khi mang thai không có nghĩa là một người phụ nữ sẽ có trầm cảm sau khi sinh, tuy nhiên khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm nghiêm trọng trong khi mang thai tiếp tục phát triển bệnh trầm cảm sau sinh. Điều trị trong thời gian mang thai có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm sau khi sinh phát triển đáng kể.
Các phương pháp điều trị trầm cảm khi mang thai
Nếu bạn bị trầm cảm không được điều trị, bạn sẽ không được chăm sóc trước khi sinh một cách tối ưu hoặc ăn các thực phẩm mà bạn và em bé cần. Trải qua trầm cảm khi mang thai có thể khiến tăng nguy cơ sinh non, nhẹ cân, giảm sự phát triển của thai nhi hoặc các vấn đề khác cho em bé. Trầm cảm khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh, người mẹ không có đủ sữa cho con bú và khó có sự liên kết với em bé.
Tùy theo mức độ trầm cảm, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị có thể bao gồm liệu pháp tâm lý hoặc thuốc chống trầm cảm.
1. Sử dụng thuốc
Quyết định sử dụng thuốc chống trầm cảm khi mang thai dựa trên sự cân bằng giữa rủi ro và lợi ích. Nhìn chung, nguy cơ dị tật bẩm sinh và các vấn đề khác đối với em bé của các bà mẹ dùng thuốc chống trầm cảm khi mang thai là rất thấp. Một số loại thuốc đã được chứng minh là an toàn trong thai kỳ và một số loại thuốc chống trầm cảm có liên quan đến nguy cơ biến chứng cao hơn đối với em bé.
Nếu bạn sử dụng thuốc chống trầm cảm khi mang thai, bác sĩ sẽ cố gắng giảm thiểu tiếp xúc với thuốc của bé. Điều này có thể được thực hiện bằng cách kê đơn một loại thuốc (đơn trị liệu) ở liều hiệu quả thấp nhất, đặc biệt là trong ba tháng đầu.
Một số loại thuốc chống trầm cảm được lựa chọn để sử dụng trong thời kỳ mang thai như:
Một số chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): SSRI thường được coi là một lựa chọn trong thai kỳ, bao gồm citalopram (Celexa), fluoxetine (Prozac) và sertraline (Zoloft). Các biến chứng tiềm ẩn bao gồm tăng nguy cơ chảy máu nặng sau khi sinh (xuất huyết sau sinh), sinh non và nhẹ cân. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy SSRI không liên quan đến dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, paroxetine (Paxil) dường như có liên quan đến việc tăng nguy cơ dị tật tim thai.
Các chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI): SNRI cũng được coi là một lựa chọn trong thai kỳ, bao gồm duloxetine (Cymbalta) và venlafaxine (Effexor XR). Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy dùng SNRI vào cuối thai kỳ có liên quan đến xuất huyết sau sinh.
Bupropion (Wellbutrin): Thuốc này được sử dụng cho cả trầm cảm và cai thuốc lá. Mặc dù bupropion thường không được coi là phương pháp điều trị đầu tiên cho chứng trầm cảm khi mang thai, nhưng nó có thể là một lựa chọn cho những phụ nữ không đáp ứng với các loại thuốc khác. Nghiên cứu cho thấy dùng bupropion khi mang thai có thể liên quan đến dị tật tim.
Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Nhóm thuốc này bao gồm nortriptyline (Pam Bachelor). Mặc dù thuốc chống trầm cảm ba vòng thường không được coi là phương pháp điều trị đầu tiên hoặc hàng thứ hai, chúng có thể là một lựa chọn cho những phụ nữ không đáp ứng với các loại thuốc khác. Clomipramine chống trầm cảm ba vòng có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh của thai nhi, bao gồm cả khuyết tật tim. Sử dụng các loại thuốc này trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba cũng có nguy cơ xuất huyết sau sinh.
Một số loại thuốc chống trầm cảm nên tránh trong thai kỳ:
- Paroxetine SSRI (Paxil) thường không được khuyến khích trong thai kỳ. Một số nghiên cứu cho thấy paroxetine có thể liên quan đến sự gia tăng nhỏ các khuyết tật tim thai.
- Ngoài ra, các chất ức chế monoamin oxydase (MAOIs) – bao gồm phenelzine (Nardil) và tranylcypromine (Parnate) – thường không được khuyến khích trong thai kỳ. MAOIs có thể hạn chế sự phát triển của thai nhi.
- Nếu bạn dùng thuốc chống trầm cảm trong ba tháng cuối của thai kỳ, em bé của bạn có thể gặp các triệu chứng ngừng thuốc tạm thời – chẳng hạn như bồn chồn, khó chịu, ăn kém và suy hô hấp cho đến một tháng sau khi sinh. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy việc ngừng hoặc giảm liều gần cuối thai kỳ sẽ làm giảm nguy cơ mắc các triệu chứng này đối với trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nó có thể làm bạn tăng nguy cơ tái phát trầm cảm sau sinh.
Mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc chống trầm cảm khi mang thai và nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em vẫn chưa có kết luận, nhưng hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ này rất nhỏ và các nghiên cứu khác cho thấy không có rủi ro nào cả.
Quyết định tiếp tục hoặc thay đổi thuốc chống trầm cảm của bạn sẽ dựa trên sự ổn định của tâm trạng của bạn. Mối quan tâm về các rủi ro tiềm ẩn phải được cân nhắc với khả năng thay thế thuốc bởi nó có thể gây thất bại và gây ra trầm cảm tái phát.
2. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là sự điều trị các rối loạn cảm xúc, hành vi, nhân cách và tâm thần thông qua giao tiếp dùng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ với người bệnh. Trong thực hành trị liệu tâm lý có thể bao gồm cả việc chữa trị các rối loạn và giúp gười bệnh cách thức giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Khi bàn đến trị liệu tâm lý có một vấn đề chúng ta cần quan tâm là trị liệu tâm lý thường bị nhầm với tư vấn. Điều này gây khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp can thiệp.
Tư vấn khác với trị liệu tâm lý ở chỗ tư vấn là mối quan hệ và hoạt động mang tính chuyên môn mà trong đó nhà tư vấn giúp đối tượng hiểu và giải quyết việc điều chỉnh vấn đề, đưa ra lời khuyên, sự đánh giá, hay chỉ dẫn đối tượng cách đánh giá và kiểm soát bản thân. Trong công tác tư vấn nhà tư vấn thường đưa ra các phương án để đối tượng lựa chọn phương án hợp lý cho việc quyết định, đánh giá một vấn đề gì đó
Trị liệu tâm lý có hiệu quả trong điều trị bệnh trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, rối loạn nhân cách và một số rối loạn tâm thần khác. Do đó, mẹ bầu bị trầm cảm cũng có thể cân nhắc phương pháp này.
Trầm cảm là chứng bệnh phức tạp, hình thành do sự tương tác giữa nhiều yếu tố nội sinh và ngoại hình. Thông qua phác đồ trị liệu khoa học, các chuyên gia có thể giúp bệnh tháo gỡ những vướng mắc về mặt tâm lý, trút bỏ nỗi buồn, chán nản và bi quan. Đặc biệt, phương pháp này AN TOÀN với phụ nữ mang thai, người đang cho con bú và người có bệnh lý nền.
3. Biện pháp tự cải thiện
Một số biện pháp tự cải thiện trầm cảm khi mang thai:
- Đơn giản hóa vấn đề: Đừng nghĩ rằng mình vẫn sẽ tiếp tục làm được mọi việc bình thường như trước khi mang thai. Hãy luôn ưu tiên bản thân trong danh sách những thứ cần làm. Thay vì lau dọn nhà cửa, hãy đọc sách, ăn sáng và đi dạo trong công viên. Hãy chăm sóc bản thân nhiều hơn.
- Nói ra: Hãy tâm sự những điều làm bạn sợ hãi và lo lắng với cô bạn thân. Luôn trò chuyện với chồng một cách cởi mở và bạn sẽ nhận được sự chân thành từ chồng.
- Thiết lập sự ủng hộ: Những cảm xúc tiêu cực dù nói ra hay không đều có ảnh hưởng đối với đứa trẻ trong bụng. Vậy nên điều quan trọng là tìm được người thân hay cô bạn đồng cảm, giúp mình thoát ra khỏi những suy nghĩ không vui.
- Thư giãn: Các thai phụ thường được khuyên là nên nghe đọc xem những thứ trong sáng để em bé sinh ra cũng sẽ có những suy nghĩ, tư tưởng như thế. Để lấy lại bình tĩnh, hãy nghe một bản nhạc cổ điển hằng ngày. Ngoài ra, có thể dành 30 phút để nghĩ tới những điều tốt đẹp. Nghỉ ngơi và ngủ đủ cũng giúp tâm trạng tốt lên, tươi mới hơn.
- Thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh: Duy trì lối sống khoa học và chia nhiều bữa nhỏ, ăn thường xuyên để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé, đồng thời cũng giúp thai phụ cảm thấy mình khỏe khoắn, đầy sức sống.
- Ăn sô cô la đen: Nghiên cứu cho thấy ăn một lượng nhỏ sô cô la sẽ giúp xua tan sự phiền muộn khi mang thai. Sô cô la có chứa chất theobromine, có tác dụng giãn cơ và nở mạch máu. Ăn các miếng sô cô la nhỏ được cho là giúp giảm hội chứng tiền sản giật.
- Thường xuyên tập luyện: Tập luyện đều đặn và tập yoga vừa giúp giữ dáng vừa giúp tinh thần phát triển theo hướng tích cực. Nếu được hướng dẫn bởi một người tập yoga chuyên nghiệp, thai phụ sẽ chuẩn bị tốt hơn cho quá trình chuyển dạ và giảm bớt căng thẳng.
Phòng ngừa bệnh trầm cảm khi mang thai
Một số cách phòng ngừa bệnh trầm cảm khi mang thai:
Hãy nói ra tất cả mọi chuyện: Tâm sự những điều làm bạn sợ hãi và lo lắng với bạn thân của mình. Luôn trò chuyện với chồng một cách cởi mở và bạn sẽ nhận được sự chân thành từ chồng.
Hãy tìm người đồng cảm với bạn: Bạn có những cảm xúc tiêu cực dù nói ra hay không đều ảnh hưởng ít nhiều đến đứa trẻ trong bụng. Vì thế điều quan trọng là tìm được người thân hay cô bạn đồng cảm giúp mình thoát khỏi những suy nghĩ không vui.
Học cách thư giãn: Nếu bạn đang có những triệu chứng của bệnh trầm cảm, để lấy lại bình tĩnh, hãy nghe một bản nhạc cổ điển hằng ngày. Nghỉ ngơi và ngủ đủ cũng giúp tâm trạng của bạn tốt lên, tươi mới hơn để tránh xa bệnh trầm cảm.
Thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh và tập luyện: Bạn hãy tự rèn luyện cho mình một lối sống khoa học và chia nhiều bữa nhỏ hàng ngày, ăn thường xuyên để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con, đồng thời điều này cũng giúp thai phụ cảm thấy mình khỏe khoắn, đầy sức sống. Ngoài ra, việc tập luyện đều đặn và tập yoga vừa giúp giữ dáng vừa giúp tinh thần phát triển theo hướng tích cực.
Thông thường, phụ nữ mang thai bị trầm cảm luôn tự ti về bản thân, cảm thấy bản thân vô dụng, yếu kém và phạm phải các lỗi lầm nghiêm trọng. Do đó, mẹ bầu nên chủ động thăm khám nếu nhận thấy bản thân có các triệu chứng bất thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!