7 Loại cây thuốc nam chữa viêm da cơ địa có sẵn quanh nhà
Lá lốt, tía tô, lá đinh lăng, trầu không, củ nghệ,… là các loại thuốc nam thường được dùng để chữa viêm da cơ địa. Các thảo dược này có đặc tính giảm sưng, cải thiện ngứa ngáy, phục hồi da và ngăn ngừa viêm nhiễm ở vùng da thương tổn. Tuy nhiên do dược tính thấp nên cách chữa viêm da cơ địa bằng thuốc nam chỉ được thực hiện với những trường hợp bệnh nhẹ và chưa có biến chứng.
Nên chữa viêm da cơ địa bằng thuốc nam khi nào?
Thuốc nam là tên gọi chung của các thảo dược tự nhiên được nhân dân sử dụng để làm thuốc. So với thuốc Đông y, người Việt quen thuộc với thuốc nam hơn do những thảo dược này đều có sẵn quanh nhà.
Ngoài cách chữa viêm da cơ địa bằng Đông Y, một số trường hợp bệnh nhẹ có thể tận dụng các dược liệu tự nhiên quanh nhà để giảm ngứa, làm dịu da, cải thiện sưng viêm và đỏ rát ở vùng da bị tổn thương.
Tuy nhiên do có tác dụng điều trị chậm và không đặc hiệu, vì vậy bạn chỉ nên dùng thuốc nam chữa viêm da cơ địa trong những trường hợp sau:
- Viêm da cơ địa ở giai đoạn ổn định (triệu chứng bùng phát chậm, dai dẳng)
- Tổn thương da không quá nặng nề, không đi kèm với hiện tượng nhiễm trùng và chưa phát sinh biến chứng.
- Triệu chứng cơ năng (đau rát, sưng đỏ và ngứa ngáy) có mức độ nhẹ đến trung bình
Nếu áp dụng cách chữa này trong giai đoạn cấp tính (triệu chứng bùng phát mạnh), cần kết hợp với việc sử dụng thuốc bôi và thuốc uống từ Tây Y nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa viêm nhiễm.
Điều trị viêm da cơ địa bằng 7 cây thuốc nam quý
Dưới đây là 7 cây thuốc nam quý thường được nhân dân sử dụng để chữa bệnh viêm da cơ địa. Mỗi loại thảo dược đều có dược tính và tác dụng khác nhau, vì vậy bạn nên cân nhắc kỹ trước khi áp dụng để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng phụ phát sinh.
1. Trị viêm da cơ địa bằng lá lốt
Lá lốt là loại rau gia vị thường được sử dụng trong chế biến các món ăn thường ngày. Ngoài ra do có vị cay, đắng, mùi thơm, tính ấm, tác dụng sát trùng và kháng khuẩn nên lá lốt còn được dân gian tận dụng để chữa chứng đau nhức xương khớp và các bệnh ngoài da.
Theo một số phân tích gần đây, lá lốt có chứa một số hoạt chất kháng sinh và chống oxy hóa tự nhiên như flavonoid, benzyl axetat, alkaloid, beta-caryophylen,… Những thành phần này có tác dụng chống sưng viêm, giảm đau và ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Cách dùng lá lốt trị viêm da cơ địa.
- Rửa sạch 1 nắm lá lốt tươi và để ráo nước
- Giã nát lá lốt kèm theo 1 ít muối
- Vệ sinh vùng da tổn thương và lau khô với khăn sạch
- Thoa hỗn hợp lá lốt lên da và rửa lại sau 15 phút
Lá lốt có vị cay nên cần tránh áp dụng đối với tổn thương da có lở loét, chảy máu hoặc có vết thương hở.
2. Chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không
Theo dân gian, lá trầu không có mùi thơm, vi cay nồng, tác dụng sát trùng mạnh, tiêu viêm và giảm ngứa. Ngoài tác dụng chữa viêm da cơ địa, thảo dược này còn có khả năng cải thiện triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng, nấm da, hắc lào, lang ben,…
Bên cạnh đó nghiên cứu y học hiện đại cũng tìm thấy một số hoạt chất trong trầu không có tác dụng kháng sinh mạnh như eugenol, tannin và cineol. Vì vậy mẹo chữa viêm da cơ địa bằng lá trầu không chỉ giảm ngứa ngáy, sưng đỏ da mà còn ngăn ngừa bội nhiễm.
Hướng dẫn mẹo trị viêm da cơ địa bằng lá trầu không:
- Rửa sạch 1 nắm lá trầu không tươi rồi vò nát
- Đun sôi 2 lít nước rồi thả trầu không và tiếp tục đun thêm 10 phút
- Đổ nước ra thau và cho vào 1 ít muối
- Đợi nước nguội bớt rồi tiến hành ngâm tay, chân để giảm ngứa
Cách chữa này thích hợp với những người bị viêm da cơ địa mãn tính và khu trú ở những phạm vi nhỏ như lòng bàn tay, cổ chân và lòng bàn chân. Nếu bạn thường xuyên bị ngứa ngát vào ban đêm, nên áp dụng cách chữa từ lá trầu không trước khi đi ngủ để giảm triệu chứng và hạn chế tình trạng bứt rứt, khó chịu, mất ngủ.
3. Điều trị viêm da cơ địa bằng lá tía tô
Lá tía tô thường được dùng để giải cảm, giảm ho và sốt. Tuy nhiên với tính ấm, vị cay và đặc tính kháng khuẩn, thảo dược này còn được dùng để chữa các bệnh da liễu do phong hàn như viêm da cơ địa, nổi mề đay mẩn ngứa, thấp chẩn (chàm).
Ngoài ra trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra nước ngâm từ tía tô có khả năng ức chế vi khuẩn tụ cầu – nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm trùng da ở người. Hơn nữa các thành phần trong lá tía tô còn có tác dụng giảm ngứa và cải thiện tình trạng sẩn ngứa, mụn nước trên da.
Cách dùng lá tía tô chữa viêm da cơ địa đơn giản và dễ thực hiện:
- Rửa sạch 5 – 10 lá tía tô tươi (nên chọn lá tươi non và nguyên vẹn)
- Để ráo nước, sau đó cắt thành từng đoạn nhỏ
- Cho lá tía tô vào ấm rồi đổ 300ml nước sôi vào hãm trong 10 phút
- Dùng trà tía tô uống hằng ngày giúp ngăn ngừa viêm da cơ địa tái phát
Ngoài ra bạn có thể dùng lá tía tô nấu nước tắm hằng ngày (nên phối hợp với muối biển, lá trầu không,…) để giảm ngứa và cải thiện các triệu chứng trên da.
4. Tỏi – Vị thuốc nam quý chữa viêm da cơ địa
Tỏi được ví như một loại thuốc kháng sinh tự nhiên do đặc tính sát trùng và ức chế mạnh. Hoạt chất allicin trong tỏi có tác dụng ức chế một số virus và vi khuẩn gây bệnh trên da, từ đó giúp ngăn ngừa hiện tượng viêm nhiễm ở vùng da trầy xước, tổn thương.
Ngoài ra tỏi còn có tác dụng chống viêm mãn tính và giảm ngứa ngáy. Vì vậy vị thuốc nam này thường được dân gian sử dụng để chữa ung nhọt, áp xe, viêm da cơ địa, chàm, mề đay mẩn ngứa.
Dùng tỏi – vị thuốc nam quý chữa viêm da cơ địa ngay tại nhà:
- Ngâm khoảng 200g tỏi đã bóc vỏ với 1 lít rượu trắng trong 7 – 14 ngày
- Làm sạch vùng da cần điều trị và thoa dịch rượu lên da
- Đợi hỗn dịch khô rồi thoa thêm lớp thứ 2
Cách trị viêm da cơ địa bằng tỏi có tác dụng mạnh, giúp giảm ngứa và ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên tỏi có thể gây dị ứng và xót da đối với người có cơ địa nhạy cảm, vùng da tổn thương bị lở loét hoặc có vết thương hở.
Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng tỏi đen để thay thế tỏi trắng. Tỏi đen chứa hàm lượng khoáng chất và vitamin dồi dào hơn tỏi trắng, đồng thời không có vị cay nồng và gây khó chịu khi sử dụng lên da.
5. Cây sài đất hỗ trợ điều trị viêm da cơ địa
Cây sài đất còn được gọi là cây ngổ núi, húng trám, là một loài thực vật mọc hoang dại tại nhiều địa phương ở nước ta. Từ lâu, sài đất đã được sử dụng để chữa mề đay – mẩn ngứa, viêm da cơ địa, chàm, sốt cao, sưng đỏ da, bỏng,…
Khi tiến hành phân thích thành phần trong cây sài đất, các chuyên gia nhận thấy hoạt chất flavonoid (Wedelolacton), tannin và saponin trong thảo dược này có tác dụng long đờm, giảm ho, hạ sốt, giảm ngứa và làm dịu da hiệu quả.
Hơn nữa chất béo và dầu hòa tan trong cây sài đất còn có tác dụng dưỡng ẩm, làm dịu và phục hồi các mô da bị tổn thương.
Bài thuốc uống chữa viêm da cơ địa bằng cây sài đất:
- Chuẩn bị: Bồ công anh 20g, sài đất 30g, dây khum và nhẫn đông hoa mỗi vị 10g.
- Thực hiện: Đem các vị rửa sạch, sau đó sắc với 500ml đến khi còn 200ml. Chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
Ngoài bài thuốc uống, bạn có thể áp dụng song song với bài thuốc dùng ngoài để gia tăng tác dụng điều trị:
- Chuẩn bị: Ké đầu ngựa 10g, nhẫn đông hoa 15g và cây sài đất 30g.
- Thực hiện: Đem rửa sạch nguyên liệu rồi đun sôi với 2 lít nước. Dùng nước sắc hòa với nước lạnh rồi dùng tắm.
Khi tắm, có thể sử dụng dược liệu sài đất chà nhẹ lên các vùng da tổn thương để làm dịu da, giảm sưng viêm và ngứa ngáy.
Tham khảo thêm: Bị viêm da cơ địa nên ăn gì và kiêng gì để nhanh khỏi bệnh ?
6. Dùng củ nghệ chữa viêm da cơ địa
Củ nghệ vàng thường được sử dụng để làm trắng da, mờ tàn nhang và khử thâm sau mụn. Ngoài ra thảo dược này còn được sử dụng trong điều trị viêm da cơ địa nhằm loại bỏ thâm sạm, phục hồi mô da và ngăn ngừa tổn thương da lây lan trên phạm vi rộng. Hơn nữa nghệ còn chứa hoạt chất curcumin có tác dụng ức chế virus và một số vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Tuy nhiên do nghệ không có tác dụng giảm ngứa, nên bạn cần áp dụng đồng thời mẹo chữa này với các bài thuốc trị viêm da cơ địa có khả năng cải thiện ngứa ngáy.
Cách dùng củ nghệ chữa viêm da cơ địa:
- Hòa 1 thìa bột nghệ với 1 ít nước ấm
- Vệ sinh vùng da tổn thương rồi thoa hỗn hợp lên da
- Đợi trong khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước ấm
Củ nghệ không chứa độc tính, có độ an toàn cao và ít gây kích ứng da. Vì vậy mẹo chữa này có thể áp dụng cho cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú.
7. Lá đinh lăng giảm nhanh triệu chứng của viêm da cơ địa
Dùng lá đinh lăng chữa viêm da cơ địa là một trong những bài thuốc nam được nhiều người áp dụng. Ngoài việc được sử dụng để làm gỏi và ăn sống, lá đinh lăng còn có tác dụng giảm ngứa ngáy và cải thiện viêm sưng do chàm, viêm da cơ địa và mề đay mẩn ngứa.
Cách dùng lá đinh lăng hỗ trợ làm giảm triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa:
- Rửa sạch 1 nắm lá đinh lăng tươi và đem phơi khô
- Mỗi lần dùng 40g dược liệu đun với 2 lít nước
- Dùng uống thay trà hằng ngày
Khi dùng bài thuốc uống từ lá đinh lăng, bạn nên kết hợp với các bài thuốc dùng ngoài để kiểm soát các triệu chứng cơ năng và tổn thương da do viêm da cơ địa.
Trị viêm da cơ địa bằng thuốc nam cần lưu ý điều gì?
Dùng thuốc nam chữa viêm da cơ địa có thể làm giảm triệu chứng trên da mà không gây ra các tác dụng phụ như khi sử dụng thuốc Tây Y. Tuy nhiên để tránh tình trạng phụ thuộc vào bài thuốc và gây gián đoạn quá trình điều trị, bạn nên lưu ý các điều sau:
- Cây thuốc nam chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm da cơ địa, không có tác dụng điều trị đặc hiệu như các loại thuốc Tây Y. Vì vậy bạn nên phối hợp nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tiến triển và các triệu chứng của bệnh.
- Nên ngâm rửa thảo dược với nước muối để loại bỏ bụi, đất cát và vi khuẩn trước khi sử dụng.
- Một số loại thuốc nam có khả năng dị ứng cao như lá trầu không, lá lốt, tỏi,… Người có cơ địa nhạy cảm nên thận trọng khi sử dụng các thảo dược này.
- Viêm da cơ địa là bệnh lý chịu tác động từ các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Do đó ngoài việc áp dụng các biện pháp điều trị, bạn nên phối hợp với lối sống lành mạnh để kiểm soát bệnh tốt nhất.
- Thực tế cho thấy một số cây thuốc nam không hề có tác dụng chữa viêm da dị ứng và các tình trạng da liễu khác. Vì vậy bạn cân nhắc trước khi áp dụng cách chữa “truyền miệng” từ dân gian.
Bài viết đã tổng hợp 7 loại thuốc nam chữa viêm da cơ địa và những lưu ý khi sử dụng. Trong trường hợp tổn thương da nặng, bạn nên chủ động thăm khám để được bác sĩ/ thầy thuốc chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp.
Tìm hiểu thêm: https://vienyduocdantoc.org.vn/cay-thuoc-chua-viem-da-co-dia.html
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!