Viêm da cơ địa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh
Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương da của bệnh eczema. Bệnh có tính chất dai dẳng, tiến triển mãn tính và tái phát nhiều lần. Hiện nay chưa có phương pháp chữa trị bệnh dứt điểm, vì vậy mục đích chính của việc điều trị là cải thiện triệu chứng cơ năng, giảm tổn thương da và ngăn ngừa tái phát.
Viêm da cơ địa là gì? Thông tin tổng quát
Viêm da cơ địa (eczema thể địa) là một dạng tổn thương da của bệnh eczema (chàm). Thuật ngữ này đề cập đến tình trạng viêm da mãn tính, có xu hướng tiến triển mãn tính và tái phát nhiều lần.
Bệnh thường khởi phát từ thời thơ ấu và kéo dài đến khi trưởng thành. Theo thống kê từ Bệnh viện Da liễu Trung Ương, có khoảng 60% trường hợp mắc bệnh khởi phát trong năm đầu tiên, 30% trong 5 năm tiếp theo và chỉ có khoảng dưới 10% phát bệnh ở trẻ trên 6 tuổi.
Trong giai đoạn bùng phát cấp tính, viêm da cơ địa có thể đi kèm với hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc sốt cỏ khô. Ngoài ra tổn thương da do bệnh gây ra đặc trưng bởi tính chất ngứa, sưng đỏ và khô ráp.
Hiện tại chưa có bất cứ phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm viêm da cơ địa. Mục đích của việc điều trị chủ yếu là cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa bội nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa các triệu chứng của viêm da cơ địa thường có xu hướng thuyên giảm khi độ tuổi tăng lên.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Tương tự như các tình trạng viêm da mãn tính khác, các chuyên gia chưa thể tìm ra nguyên nhân cũng như cơ chế gây bệnh viêm da cơ địa. Tuy nhiên theo các thống kê, có tới 70% trường hợp mắc bệnh có tiền sử gia đình bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn, chàm hoặc sốt cỏ khô.
Ngoài ra các chuyên gia cũng đã tiến hành sinh thiết da và xác định viêm da cơ địa có mối liên hệ với quá trình hình thành và tăng kháng thể IgE. Nồng độ IgE càng tăng cao thì triệu chứng của bệnh càng phát triển và bùng phát mạnh.
2. Các yếu tố kích thích
Viêm da cơ địa có tiến triển mãn tính và hay tái phát. Các yếu tố có khả năng kích thích triệu chứng của bệnh bùng phát, bao gồm:
- Tiếp xúc với hóa chất hoặc chất dị ứng
- Dị ứng thực phẩm và thời tiết
- Thay đổi nhiệt độ đột ngột
- Thời tiết hanh khô
- Nhiễm trùng (nhiễm virus hoặc vi khuẩn)
- Sử dụng xà phòng có độ pH cao
- Căng thẳng thần kinh
- Rối loạn nội tiết tố
3. Dấu hiệu nhận biết
Biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa thường khác nhau ở từng độ tuổi, bao gồm:
Viêm da cơ địa tuổi nhũ nhi và sơ sinh: Thường gặp ở trẻ từ 2 tuần đến 2 tuổi nhưng tập trung nhiều nhất ở trẻ từ 2 -3 tháng tuổi.
- Ban đầu xuất hiện ban da có hình móng ngựa ở trán và má, hoặc có thể bị ở đầu, quanh miệng, thân mình, bẹn hoặc cổ
- Tổn thương có dát đỏ và trên bề mặt có nhiều mụn nước nhỏ
- Ban da có dấu hiệu trợt loét và chảy dịch
- Sau đó vùng da tổn thương thường có nhiễm khuẩn thứ phát, đặc trưng bởi các vảy tiết
Eczema thể địa xuất hiện ở trẻ từ 2 tuần đến 2 tuổi có thể đi kèm với bệnh viêm tai giữa và tiêu chảy.
Viêm da cơ địa thời kỳ trẻ em: Thường gặp trẻ ở trẻ nhỏ 2 – 3 tuổi đến trẻ từ 12 – 20 tuổi, tổn thương da có thể đi kèm với viêm kết mạc và đục thủy tinh thể.
- Xuất hiện các mảng lichen hóa (tổn thương da có vết hằn và dày sừng) ở dạng đĩa.
- Thường xuất hiện ở mặt sau đầu gối và khuỷu tay
- Vùng da tổn thương bị khô, sẩn ngứa
Viêm da cơ địa thời kỳ trưởng thành: Gặp ở người lớn (đặc biệt là nữ giới), thường đi kèm với hen suyễn hoặc sốt cỏ khô.
- Xuất hiện các mảng lichen hóa ở bàn tay và kẽ tay
- Nữ giới có dấu hiệu bị viêm môi và viêm núm vú
- Trong giai đoạn này, eczema thể địa thường tiến triển mãn tính và tái phát nhiều lần.
Ngoài ra biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa còn sự khác biệt giữa giai đoạn cấp tính và mãn tính.
Triệu chứng đặc trưng của viêm da cơ địa trong giai đoạn cấp tính:
- Xuất hiện các ban da đỏ không có ranh giới
- Bề mặt da nổi nhiều đám sẩn, mụn nước nhỏ, không có vẩy da nhưng có tiết dịch
- Sau đó da bắt đầu phù nề, chảy dịch và đóng thành mài
- Nếu gãi cào lên da sẽ làm xuất hiện vết xước, vết trợt và bội nhiễm (mụn nhỏ, vảy tiết vàng)
- Tổn thương da thường khu trú ở má, cằm, trán và có thể lan ra tay, chân và thân
Trong giai đoạn mãn tính, viêm da cơ địa đặc trưng bởi những triệu chứng sau:
- Tổn thương da liken hóa, thâm và có ranh giới rõ ràng so với vùng da thông thường. (Biểu hiện này là hệ quả do thói quen gãi, cào vào vùng da tổn thương).
- Biểu hiện lâm sàng thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, các nếp gấp lớn, cẳng chân, cổ tay và cổ chân.
Bệnh nhân viêm da cơ địa thường có nguy cơ cao bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm kết mạc mắt, dày sừng nang lông và bệnh vảy cá thông thường.
Bệnh viêm da cơ địa có nguy hiểm không?
Viêm da cơ địa là tổn thương da có tiến triển mãn tính. Tuy nhiên có khoảng 50% trường hợp bệnh nhân thuyên giảm hoàn toàn khi trưởng thành.
Mặc dù có tính chất cố thủ và dai dẳng nhưng hầu hết các trường hợp viêm da cơ địa đều có đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, tổn thương da có thể tiến triển và gây ra các biến chứng như:
- Hen suyễn và sốt cỏ khô: Hen suyễn, sốt cỏ khô và viêm da cơ địa là các tình trạng sức khỏe có mối liên hệ mật thiết. Bệnh nhân bị viêm da cơ địa kéo dài đến độ tuổi trưởng thành (khoảng 13 – 16 tuổi) có nguy cơ phát sinh cơn hen suyễn và sốt cỏ khô cao hơn người bình thường.
- Viêm da thần kinh: Viêm da thần kinh là hệ quả do thói quen gãi vào vùng da tổn thương khiến da dày sừng và liken hóa. Viêm da thần kinh không chỉ gây ngứa ngáy, làm mất thẩm mỹ mà còn tăng nguy cơ phát sinh chứng loạn thần kinh.
- Nhiễm trùng da: Nhiễm trùng da (bội nhiễm) là biến chứng thường gặp của viêm da cơ địa nói chung và các tình trạng viêm da mãn tính khác. Virus và vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập vào vết lở loét ở vùng da tổn thương, sau đó gây nhiễm trùng và ứ mủ.
- Rối loạn giấc ngủ: Triệu chứng ngứa của bệnh thường có xu hướng nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Điều này không chỉ gây khó chịu, bứt rứt mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ.
Chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa rất dễ bị nhầm lẫn với các tổn thương da mãn tính khác như á sừng, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng,… Do đó trước khi chỉ định điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp chẩn đoán cần thiết.
Viêm da cơ địa được chẩn đoán khi có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính và 3 tiêu chuẩn phụ.
4 tiêu chuẩn chính trong chẩn đoán viêm da cơ địa, bao gồm:
- Ngứa
- Tổn thương da mãn tính và có xu hướng tái phát
- Vị trí và hình thái tổn thương điển hình (Trẻ nhỏ: tổn thương da khu trú ở vùng co duỗi và mặt; Người lớn: Vùng da tổn thương dày, lichen hóa ở các vùng có nếp gấp)
- Tiền sử cá nhân và gia đình (viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen suyễn)
Các tiêu chuẩn phụ trong chẩn đoán viêm da cơ địa, bao gồm:
- Da khô
- Đục thủy tinh thể
- Viêm môi
- Mặt đỏ/ tái
- Nồng độ IgE tăng cao
- Da dễ bị nhiễm trùng
- Phản ứng da tức thì type 1 dương tính (+)
- Chứng vẽ nổi
- Vảy phấn trắng
- Ngứa ngáy khi da đổ mồ hôi
- Bệnh phát triển khi còn nhỏ (từ 2 tháng – 2 tuổi)
- Chàm núm vú
- Xuất hiện các thương tổn giống như dày sưng nang lông
- Giác mạc hình chóp
- Nếp dưới mắt
- Quầng thâm quanh mắt
Điều trị bệnh viêm da cơ địa bằng cách nào?
Nguyên tắc điều trị viêm da cơ địa là cải thiện triệu chứng cơ năng, giảm tổn thương da và phòng ngừa tái phát.
1. Điều trị toàn thân
Trong giai đoạn cấp tính, triệu chứng của bệnh thường có xu hướng bùng phát mạnh. Để ức chế triệu chứng trong thời gian ngắn nhất, cần kết hợp chế độ chăm sóc với việc sử dụng thuốc.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, hạn chế gãi và chà xát lên vùng da tổn thương.
- Kiêng cử các đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, rượu bia,…
- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng như xà phòng, phấn hoa, một số thực phẩm,…
- Sử dụng thuốc kháng histamine H1 hoặc corticoids để giảm ngứa và chống viêm.
- Trong trường hợp có nhiễm nhuẩn (da sưng tấy, sốt, mủ xuất tiết), sử dụng kháng sinh Tetracyclin/ Erythromycin liên tục trong 7 – 10 ngày.
2. Điều trị tại chỗ
Điều trị tại chỗ được chỉ định đối với viêm da cơ địa cấp và mãn tính. Bác sĩ sẽ cân nhắc mức độ tổn thương và khả năng đáp ứng của từng trường hợp để chỉ định loại thuốc thích hợp.
Thuốc điều trị tại chỗ trong giai đoạn viêm da cơ địa cấp tính:
- Sử dụng thuốc tím pha loãng 1/4000, Nước muối sinh lý 0.9%, Dung dịch Yarish 5, Rivanol 1%, Nitrat bạc 0.25% trong 5 – 7 ngày đầu.
- Sau đó có thể dùng dung dịch Milian, dung dịch tím Metin 1% kết hợp với hồ nước.
- Khi vùng da tổn thương khô, có thể thoa thuốc mỡ corticoid kháng sinh, dầu kẽm,…
Tổn thương da trong giai đoạn mãn tính thường có dấu hiệu khô và dày sừng, do đó các loại thuốc được chỉ định trong giai đoạn này chủ yếu là thuốc bôi chứa corticoid và axit salicylic như:
- Diprosalic
- Goudron
- Coal Tar
3. Liệu pháp ánh sáng (Quang trị liệu)
Liệu pháp ánh sáng ít khi được chỉ định đối với điều trị viêm da cơ địa. Tuy nhiên với những trường hợp không có đáp ứng tốt với điều trị tại chỗ hoặc triệu chứng có xu hướng tái phát ngay sau khi điều trị, liệu pháp này có thể được cân nhắc thực hiện.
Quang trị liệu sử dụng tia cực tím nhân tạo UVA hoặc UVB chiếu trực tiếp hoặc kết hợp với thuốc nhằm cải thiện tổn thương da và giảm ngứa ngáy. Mặc dù có hiệu quả rõ rệt nhưng liệu pháp ánh sáng chỉ được cân nhắc thực hiện trong những trường hợp cần thiết. Bởi áp dụng biện pháp này trong thời gian dài có thể gây lão hóa da và tăng nguy cơ ung thư.
Biện pháp chăm sóc cho bệnh nhân viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa có khả năng tái phát cao. Do đó ngoài các phương pháp điều trị chính, bạn nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc nhằm làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát.
- Tránh xa các tác nhân kích thích như phấn hoa, thực phẩm dị ứng, lông chó mèo, hóa chất,… Đồng thời nên kiểm soát căng thẳng và dành thời gian nghỉ ngơi.
- Dưỡng ẩm cho da thường xuyên – đặc biệt là sau khi tắm và rửa mặt. Nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có thành phần dịu nhẹ để làm dịu và giảm khô da.
- Nếu tình trạng ngứa không quá nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng khăn lạnh chườm lên vùng da bị tổn thương để làm giảm triệu chứng.
- Thay đổi loại xà phòng và sữa tắm đang sử dụng. Chỉ nên lựa chọn các sản phẩm có độ pH cân bằng, ít hương liệu và có mùi thơm dễ chịu.
- Mặc quần áo rộng rãi và có chất liệu thoáng mát, thấm hút,…
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và luyện tập khoa học nhằm nâng cao sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý da liễu thường gặp. Mặc dù có tiến triển mãn tính và dai dẳng nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được các triệu chứng của bệnh nếu kết hợp giữa các biện pháp điều trị và chế độ chăm sóc hợp lý.
Có thể bạn quan tâm: Bị viêm da cơ địa nên ăn gì và kiêng gì để nhanh khỏi bệnh ?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!