Viêm Xoang Ở Trẻ Em: Biến Chứng Và Hướng Điều Trị

Viêm xoang ở trẻ em cũng là một trong những tình trạng phổ biến hiện nay. Bệnh có thể làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách. Tham khảo ngay bài viết sau đây để có thông tin liên quan và kịp thời chữa trị cho trẻ nhanh chóng, hiệu quả.

Viêm xoang ở trẻ em là gì?

Ở trẻ em hệ thống các xoang đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Hệ thống xoang mặt bắt đầu được hình thành từ tuần thứ 4 của thai kỳ, xuất phát từ một tế bào sàng.

Tế bào sàng phát triển xâm lấn vào các xương để tạo thành các xoang khác nhau như xâm lấn vào xương trán tạo xoang trán, xâm lấn xương hàm trên tạo xoang hàm và xâm lấn vào xương bướm để hình thành xoang bướm.

viêm xoang ở trẻ em
Hình ảnh mô tả viêm xoang ở trẻ em

Các xoang có liên hệ mật thiết với nhau nên thường bị viêm nhiều xoang cùng một lúc. Xoang sàng có ngay từ khi trẻ ra đời nhưng những các xoang khác được tạo thành dần: xoang hàm có khi trẻ 3 – 4 tuổi , xoang trán và xoang bướm chỉ xuất hiện khi trẻ được 7 – 8 tuổi. Hệ thống xoang chỉ hoàn thiện ở người 20 tuổi.

Xoang là những khoang rỗng trong xương mặt gần quanh mũi. Có 4 loại xoang:

  • Xoang sàng: vị trí nằm ở phần sống mũi giữa hai mắt. Xoang sàng được hình thành từ lúc trẻ mới sinh và tiếp tục phát triển theo thời gian.
  • Xoang hàm: ở khu vực xương gò má. Xoang hàm cũng được hình thành từ lúc trẻ mới sinh và cũng tiếp tục phát triển theo thời gian.
  • Xoang trán: nằm ở khu vực trán. Ở trẻ sơ sinh chưa hình thành xoang trán. Xoang trán không phát triển cho đến khi trẻ tròn 7 tuổi.
  • Xoang bướm: ở sâu bên trong mũi. Xoang bướm không phát triển ở trẻ em mà phát triển ở tuổi thiếu niên.

Trong xoang mũi thường có độ ẩm tương đối. Khi các mô lót xoang bị nhiễm trùng, sưng viêm được gọi là viêm xoang.

Nguyên nhân gây viêm xoang ở trẻ nhỏ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn, nấm và virus (chủ yếu do các chủng vi khuẩn như Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa,…).

Các chủng vi khuẩn này hiếm khi xâm nhập trực tiếp vào mô xoang mà đa phần gây viêm nhiễm đường hô hấp trên (hầu họng, amidan) sau mới di chuyển và gây nhiễm trùng thứ phát ở mô xoang. Vì vậy, hầu hết viêm xoang ở trẻ em đều khởi phát 5 – 7 ngày sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.

viêm xoang ở trẻ em
Viêm nhiễm đường hô hấp dẫn đến việc trẻ bị mắc chứng viêm xoang

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ:

  • Bị viêm nhiễm đường hô hấp trên: Các tác nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp trên (vi khuẩn, nấm, virus) có thể đi ngược từ hầu họng lên mũi, xâm nhập vào các mô xoang và gây viêm nhiễm. Đây được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm xoang cấp ở trẻ nhỏ.
  • Hen phế quản (hen suyễn): Trẻ nhỏ bị hen suyễn có nguy cơ bị viêm xoang và các bệnh hô hấp cao hơn so với bình thường. Nguyên nhân là do cơ địa trẻ nhạy cảm, dễ bị kích ứng và dị ứng với các tác nhân từ bên ngoài môi trường. Các tác nhân này dễ dàng len lỏi vào mô xoang, gây viêm và làm bế tắc quá trình lưu thông mũi – xoang. Đa phần trẻ bị hen phế quản đều dễ mắc chứng viêm xoang mãn tính, viêm VA và một số bệnh hô hấp thường gặp khác.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. Chính vì vậy, trẻ dễ mắc các bệnh hô hấp hơn so với người trưởng thành. Trong trường hợp trẻ mắc hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS), nguy cơ bị viêm xoang và các bệnh hô hấp sẽ tăng lên đáng kể. Tình trạng này thường gặp ở trẻ có cha mẹ nhiễm HIV.
  • Viêm mũi dị ứng: Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp thường gặp, xảy ra khi niêm mạc mũi bị sưng viêm và tăng tiết dịch do tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tình trạng khoang mũi bị bít tắc lâu ngày khiến vi khuẩn dễ dàng tích tụ và phát triển trong các mô xoang, dẫn đến bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ.
  • Giải phẫu mũi – xoang bất thường: Bệnh viêm xoang ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể là hệ quả do một số bất thường về hốc mũi – xoang như VA quá phát, quá phát cuốn mũi, vẹo vách ngăn,… Các bất thường về cấu trúc có thể làm gián đoạn hoạt động lưu thông dịch của các mô xoang và tăng nguy cơ viêm nhiễm cơ quan này.

Ngoài những yếu tố trên, bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ cũng có xảy ra khi có một số điều kiện thuận lợi như vệ sinh kém, sinh sống trong môi trường ô nhiễm, trẻ có sức khỏe kém, gầy yếu,…

Biến chứng viêm xoang trẻ em

Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, nhưng nếu không được điều trị triệt để, viêm xoang trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm não, viêm màng não
  • Nhiễm trùng huyết
  • Giảm thị lực hay mù mắt do tổn thương dây thần kinh thị
  • Giảm thính lực do viêm tai giữa tái đi tái lại
  • Viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm phế quản
  • Rối loạn tiêu hóa…

Viêm xoang ở trẻ em điều trị thế nào?

Việc điều trị viêm xoang ở trẻ em cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự mua thuốc về cho trẻ uống, vì mỗi trẻ có sự đáp ứng thuốc khác nhau.

1. Điều trị nội khoa

Thường thực hiện trong 4 – 6 tuần với kháng sinh toàn thân nhóm b lactam hoặc macrolid kết hợp với thuốc chống viêm, giảm phù nề, chống dị ứng.

2. Tại chỗ

Tại chỗ dùng các thuốc nhỏ mũi nhóm co mạch, chống viêm, giảm xuất tiết để làm thông thoáng lỗ dẫn lưu xoang.

3. Phẫu thuật xoang

Chỉ định phẫu thuật chỉ đặt ra khi điều trị nội khoa sau 6 tháng thất bại hoặc có những biến chứng của viêm xoang theo chỉ định chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Phòng ngừa bệnh viêm xoang ở trẻ em

Tương tự như các bệnh hô hấp khác, viêm xoang có khả năng tái phát nhiều lần – đặc biệt là ở trẻ dưới 10 tuổi. Vì vậy sau khi điều trị, phụ huynh cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như:

vệ sinh cho bé để cải thiện tình trạng viêm xoang
Giữ không gian trong lành để đảm bảo hô hấp giúp bé cải thiện tình trạng viêm xoang
  • Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 3 – 4 lần/ tuần để làm sạch bụi bẩn, chất dị ứng và ngăn ngừa dịch tiết ứ đọng trong hốc mũi.
  • Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hô hấp trên.
  • Vào giai đoạn chuyển mùa, nên giữ ấm cơ thể và tránh để trẻ vui chơi quá lâu ở ngoài trời.
  • Giữ không gian sống thông thoáng, sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ bụi bẩn và chất gây dị ứng.
  • Tránh sử dụng máy lạnh nếu không thực sự cần thiết. Trong trường hợp dùng điều hòa thường xuyên, nên sử dụng kèm với thiết bị làm ẩm không khí để tránh kích ứng và dị ứng niêm mạc mũi.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố dị ứng, kích ứng như khói thuốc, hóa chất và thức ăn dễ gây dị ứng.
  • Tích cực điều trị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp ở trẻ để hạn chế tình trạng vi khuẩn lây lan rộng và gây nhiễm trùng mô xoang.
  • Sử dụng khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài và tránh để trẻ tiếp xúc thân mật với người mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.

Viêm xoang ở trẻ em có thể điều trị hoàn toàn nếu thăm khám và xử lý sớm. Trong trường hợp chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên song song với các phương pháp điều trị, phụ huynh nên thực hiện các biện pháp dự phòng để ngăn ngừa bệnh tái phát.

Tìm hiểu thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *