Đau Khớp Gối Sau Khi Sinh – Nguyên Nhân, Cách Khắc Phục
Đau khớp gối sau khi sinh thường khởi phát do thiếu hụt canxi, vitamin D, tác động của hormone relaxin hoặc đây cũng có thể là biểu hiện của các bệnh xương khớp. Để kiểm soát tình trạng này, người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thay đổi lối sống và tìm gặp bác sĩ khi cần thiết.
Nguyên nhân gây đau khớp gối sau sinh
Hiện tượng đau khớp gối xảy ra khá phổ biến ở phụ nữ sau sinh. Cơn đau thường xuất hiện kèm theo tình trạng tê mỏi khớp, cứng khớp khiến chị em gặp nhiều bất tiện trong vận động và sinh hoạt hàng ngày.
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau khớp gối ở phụ nữ sau sinh bao gồm:
- Tăng cân quá nhiều trong giai đoạn thai kỳ và sau sinh. Lúc này, khớp gối thường xuyên phải gánh chịu một áp lực lớn từ phần thân trên dồn xuống nên dễ dàng bị đau.
- Chế độ ăn không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là canxi, vitamin D, phốt pho,… Điều này khiến cho khớp gối bị yếu, dễ tổn thương và dẫn đến đau.
- Đau khớp gối sau khi sinh do bị chấn thương ở sụn khớp, dây chằng hay các phần mềm xung quanh khớp gối. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi bị té ngã, tai nạn xe cộ, tai nạn lao động…
- Sự gia tăng lượng hormone relaxin trong những tháng cuối của thai kỳ khiến cho hệ thống gân cơ cũng như dây chằng xung quanh khớp gối bị giãn và trở lên lỏng lẻo. Tình trạng này có thể kéo dài đến sau sinh khiến chị em bị đau cứng khớp gối.
- Tư thế sinh hoạt, vận động không đúng hoặc lao động quá sức cũng khiến khớp gối bị đau
- Đi lại nhiều hoặc ngồi quá lâu một chỗ
- Do mắc các bệnh lý xương khớp: Hiện tượng đau khớp gối sau sinh có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe như loãng xương, thoái hóa khớp gối, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gối do nhiễm khuẩn… Những bệnh lý này đều cần được điều trị sớm để bảo tồn chức năng vận động của khớp và tránh những biến chứng nguy hiểm.
Nhận biết đau khớp gối sau khi sinh
Đau khớp gối là tình trạng mô sụn, xương, dây chằng và các mô bao quanh bị tổn thương dẫn đến hiện tượng viêm và đau nhức. Tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi, người mắc bệnh tiểu đường, thừa cân – béo phì và lao động nặng trong thời gian dài.
Ngoài ra, đau mỏi khớp gối còn có thể xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh. Theo các bác sĩ, đây là hiện tượng phổ biến và gặp ở 80% sản phụ. Đau nhức đầu gối sau sinh thường có mức độ nhẹ và hầu hết có thể thuyên giảm sau khi chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, thương tổn ở khớp gối có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu và dẫn đến vấn đề mãn tính.
Các dấu hiệu nhận biết đau khớp gối sau khi sinh:
- Vùng khớp gối nhức mỏi, tê bì
- Xuất hiện cơn đau nhức khi cử động, đi lại – đặc biệt là vào buổi sáng và ban đêm
- Cơn đau thường có mức độ nhẹ, âm ỉ nhưng kéo dài
- Khớp gối có thể xuất hiện âm thanh khi vận động
Mức độ đau khớp gối và các triệu chứng đi kèm còn phụ thuộc vào nguyên nhân và thể trạng của sản phụ. Đối với sản phụ có sức khỏe yếu hoặc sinh mổ, cơn đau thường có mức độ nghiêm trọng và tiến triển dai dẳng hơn.
Đau khớp gối sau sinh có tự hết được không?
Đau khớp gối sau sinh xuất phát từ nguyên nhân sinh lý, sự tăng trọng lượng cơ thể khi mang thai hay thiếu hụt dưỡng chất có thể tự cải thiện được.
Cơn đau có thể xuất hiện 4 – 6 tháng sau sinh và sự tự thuyên giảm nếu mẹ có chế độ ăn lành mạnh, luyện tập thể dục phù hợp và cung cấp đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng xương khớp.
Nhưng nếu sau sinh thai phụ không chú ý tới việc bổ sung canxi, vitamin D hoặc chế độ ăn sử dụng nhiều dầu mỡ, lười vận động tăng cân quá mức thì những tổn thương ở khớp gối có thể trở nên trầm trọng hơn. Thậm chí đau khớp gối sau sinh do do sinh lý có thể dẫn tới các bệnh lý xương khớp ở đầu gối.
Đối với trường hợp đau khớp ở đầu gối xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý bệnh không thể thuyên giảm nếu không áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.
Nghiêm trọng hơn, triệu chứng bệnh có thể phát triển nặng hơn làm ảnh hưởng tiêu cực tới sinh hoạt và sức khỏe. Do vậy người bệnh cần chủ động thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn phương pháp chữa trị, sớm loại bỏ chứng bệnh.
Cách khắc phục đau khớp gối sau khi sinh
Như đã đề cập, khoảng 90% trường hợp phụ nữ sau khi sinh bị đau khớp gối do nguyên nhân sinh lý. Đối với nguyên nhân này, sản phụ có thể cải thiện bằng cách thay đổi lối sống và áp dụng một số mẹo chữa tại nhà.
1. Giảm đau với các mẹo tại nhà
Đau khớp gối sau sinh ít khi đe dọa đến sức khỏe và nguồn sữa mẹ. Tuy nhiên cơn đau khởi phát thường xuyên và kéo dài dai dẳng có thể khiến sản phụ mệt mỏi, suy nhược và gây ra nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt.
Phụ nữ mang thai và sau khi sinh là những đối tượng đặc biệt. Do đó, sử dụng thuốc cho những đối tượng này có thể gây ra nhiều tình huống rủi ro và tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi, trẻ nhỏ.
Vì vậy lựa chọn ưu tiên để giảm đau khớp gối sau khi sinh là áp dụng các mẹo chữa tại nhà sau:
- Tắm nước ấm: Sản phụ nên tắm nước ấm từ 10 – 20 phút/ ngày để làm sạch cơ thể, thúc đẩy hoạt động tuần hoàn máu và giảm đau nhức ổ khớp. Ngoài ra nhiệt độ ấm từ nước tắm còn giúp giải tỏa căng thẳng, kích thích khớp tiết dịch nhờn và hạn chế tình trạng khô khớp.
- Xoa bóp: Ngoài ra, có thể sử dụng dầu khuynh diệp xoa bóp đầu gối để giảm đau. Biện pháp này có khả năng tăng tuần hoàn máu, cải thiện hiện tượng viêm đỏ, đau nhức và cứng khớp.
- Nghỉ ngơi: Đi lại nhiều và vận động quá mức trong giai đoạn sau sinh có thể khiến khớp gối bị kích thích và tổn thương nghiêm trọng. Vì vậy, sản phụ nên dành thời gian nghỉ ngơi để phục hồi thể trạng, ổn định ổ khớp và hạn chế cơn đau phát sinh.
Các biện pháp này có thể giảm mức độ của cơn đau, đồng thời hạn chế áp lực lên khớp gối và một số khớp khác trên cơ thể.
2. Thay đổi chế độ ăn uống
Thiếu hụt canxi, vitamin D và thể trạng suy nhược là những nguyên nhân thường gặp gây đau mỏi khớp gối, mệt mỏi và suy nhược ở phụ nữ sau khi sinh. Chính vì vậy, cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học để phục hồi các mô xương hư tổn và cải thiện sức khỏe. Hơn nữa, ăn uống lành mạnh còn giúp mẹ có nguồn sữa dồi dào và giàu dinh dưỡng để nuôi dưỡng bé.
Chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng đau khớp gối sau khi sinh:
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin D và canxi như các loại cá, dầu gan cá, súp lơ xanh, bơ, ngũ cốc, sò, trứng cá, đậu nành, sữa, nấm,…
- Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số nhóm thực phẩm lành mạnh khác như các loại rau xanh, trái cây, sữa chua, hải sản, thịt để cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể.
- Tránh sử dụng rượu bia, cà phê, trà đặc, nước ngọt có gas, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo bão hòa. Các loại thực phẩm và đồ uống này có thể kích thích phản ứng viêm ở ổ khớp khiến đầu gối đau nhức dữ dội và kéo dài.
- Không nên ăn uống quá mức trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh. Thói quen này có thể gây tăng cân đột ngột dẫn đến tăng áp lực lên khớp gối và gây đau nhức kéo dài.
- Phụ nữ sau khi sinh nên ăn uống vừa phải, tập trung vào các nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng không chứa quá nhiều năng lượng để tránh tình trạng tăng cân.
3. Thực hành các bài tập chữa đau khớp gối sau sinh
Tập luyện các bài tập thể dục phù hợp cũng giúp xoa dịu cơn đau và tăng cường chức năng hoạt động cho khớp gối của phụ nữ sau sinh, đồng thời tăng cường lưu thông máu đến khớp bị đau, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương bên trong. Dưới đây là một số bài tập đơn giản bệnh nhân có thể tự luyện tập tại nhà.
– Động tác đứng nâng chân:
Bài tập này tác động trực tiếp lên các cơ ở mông và chân. Nó giúp làm tăng sức mạnh cho cơ bắp và giảm áp lực tác động lên đầu gối.
Cách tập:
- Đứng thẳng dựa lưng vào tường
- Đá chân trái sang ngang và nâng lên cao sao cho phần mũi chân hướng lên phía trước mặt. Giữ cơ thể ở tư thế thẳng chứ không nghiêng theo chân
- Để khoảng 10 giây rồi hạ chân xuống
- Thực hiện tương tự cho bên chân phải, mỗi bên từ 15 – 20 lần
– Động tác kick-backs ở tư thế đứng
Bài tập này chủ yếu tác động lên phần đùi sau. Nó giúp cải thiện sức mạnh và khả năng chịu lực cho các cơ ở chân, giảm sưng đau khớp gối sau khi sinh.
Cách tập:
- Đứng thẳng người sau một cái ghế có chỗ dựa lưng
- Co chân trái ra sau và đặt gót chân hướng lên phía mông. Hai tay bám vào phần tựa của ghế để giữ thăng bằng cho cơ thể
- Giữ trong 5 nhịp đếm rồi hạ chân chân xuống, đứng thẳng
- Tiếp tục co chân còn lại lên theo cách tương tự
- Thực hiện vài lần trong ngày, mỗi lần co khoảng 10 – 25 lần cho mỗi chân
– Động tác kéo giãn cơ đùi trước
Kiên trì thực hành bài tập này một thời gian có tác dụng cải thiện khả năng vận động của khớp gối, giảm đau, tăng sức chịu lực của cơ đùi trước.
Cách thực hiện:
- Nằm sấp người trên sàn, tay phải đưa ra phía trước
- Gập đầu gối chân trái lên và dùng tay trái giữ vào mắt cá chân
- Từ từ kéo nâng đầu gối lên khỏi mặt đất và giữ trong vài giây cho các cơ giãn ra
- Thả lỏng cơ thể, trở về tư thế ban đầu và đổi chân
- Thực hiện khoảng 10 lần cho mỗi bên
Xây dựng lối sống lành mạnh
Bên cạnh việc bổ sung vitamin D, canxi và các chất dinh dưỡng cần thiết, sản phụ nên xây dựng lối sống lành mạnh nhằm phục hồi thể trạng, cải thiện hệ thống xương khớp, kiểm soát đau khớp gối và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe thường gặp ở giai đoạn sau sinh.
Lối sống lành mạnh giúp kiểm soát đau đầu gối sau sinh:
- Sau khi sinh khoảng 1 tuần, sản phụ nên đi lại và vận động nhẹ nhàng để tránh tê cứng và đau nhức khớp.
- Thực hiện các bộ môn luyện tập có cường độ nhẹ như yoga và bơi lội nhằm cải thiện vùng xương chậu, khớp gối và khớp bả vai. Hoạt động thể chất đều đặn có thể giúp sản phụ giảm đau nhức khớp gối, ngừa loãng xương và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
- Phụ nữ mang thai nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, tránh căng thẳng và lo âu quá mức. Thực tế cho thấy, sản phụ bị căng thẳng kéo dài thường có thể trạng suy nhược, đau nhức khớp dai dẳng và dễ gặp phải chứng trầm cảm sau sinh.
- Thay đổi các thói quen làm tăng áp lực lên khớp gối như mang giày cao gót, lười vận động, mang vác nặng, làm việc quá 8 giờ/ ngày,…
Kết hợp giữa thay đổi lối sống, xây dựng chế độ ăn uống khoa học với các mẹo chữa tại nhà có thể kiểm soát đau nhức khớp gối chỉ trong một thời gian ngắn. Hơn nữa các biện pháp này còn giúp sản phụ giảm nguy cơ loãng xương và rút ngắn thời gian phục hồi thể trạng.
Cách phòng tránh hiện tượng đau khớp gối
Đau khớp gối sau sinh khiến nhiều mẹ bỉm sữa cảm thấy mệt mỏi và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, sinh hoạt và sức khỏe. Do vậy, để phòng tránh tình trạng này, các bạn cần chú ý:
- Trong quá trình mang thai nên cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể đặc biệt và canxi và vitamin D để phòng ngừa hiện tượng đau khớp gối.
- Thai phụ nên đa dạng dinh dưỡng nhưng nên cân đối, không nên ăn quá mức gây tăng cân đột ngột sẽ tạo áp lực lên khớp gối và dễ sinh ra hiện tượng đau nhức ổ khớp gối và các bệnh lý xương khớp khác.
- Các bạn nên chú ý luyện tập thể dục phù hợp, vận động nhẹ nhàng khi mang thai vừa tốt cho quá trình sinh nở mà còn tốt cho hệ xương khớp.
- Sau sinh nở khoảng 1 tuần, sản phụ cũng nên vận động nhẹ nhàng với các bài tập như đi bộ, yoga,… để tránh tê màng cứng và đau ổ xương khớp.
Đau khớp gối sau sinh có thể xuất phát từ nguyên nhân sinh lý và bệnh lý. Tuy nhiên dù tác nhân gây bệnh là gì chị em cũng cần chủ động điều trị dứt điểm để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt trong quá trình chữa trị, các bạn hãy kết hợp với luyện tập và dinh dưỡng phù hợp để tránh tình trạng bệnh tái phát trở lại.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!