Bệnh Viêm Khớp: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Chữa Trị

Bệnh viêm khớp là một trong những căn bệnh xảy ra phổ biến hiện nay. Thuật ngữ chỉ những bệnh lý ảnh hưởng đến mô quanh khớp, các khớp và những mô liên kết. Các triệu chứng viêm khớp thường khiến người bệnh đau nhức, căng cứng ở một hoặc nhiều khớp. Bệnh lý nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm khớp là gì?

Theo định nghĩa thì viêm khớp chính là một thuật ngữ chung để chỉ tất các các rối loạn làm ảnh hưởng đến cấu trúc, chức năng và khả năng hoạt động của khớp. Bệnh lý này xảy ra rất phổ biến hiện nay và gây nhiều bất tiện, khó khăn cũng như đau đớn khi sinh hoạt, làm việc.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thì có đến 100 loại viêm khớp hiện nay, trong đó có những loại là viêm khớp đơn thuần nhưng cũng có những loại viêm khớp gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Trong đó, có 2 loại viêm khớp phổ biến và thường xảy ra nhất là viêm xương khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp (RA).

bệnh viêm khớp
Bệnh viêm khớp

Viêm xương khớp

Đây là loại viêm xương khớp phổ biến nhất hiện nay. Chủ yếu vị trí tổn thương của viêm xương khớp chính là phần sụn khớp. Sụn là lớp mô bao bọc các đầu xương nhằm giảm sự ma sát, giúp các đầu xương hoạt động trơn tru hơn.

Chính vì vậy, mỗi khi bị viêm xương khớp sẽ khiến cho các khớp khó chuyển động, gây biến dạng, thậm chí là xương bị lệch ra khỏi vị trí bình thường. Thường thì những vị trí bị viêm sẽ là khớp bàn tay, đầu gối, cột sống, hông.

Tình trạng này thường xuất hiện ở những người độ tuổi trung niên, đặc biệt là từ 40 trở lên.Thậm chí, những người trẻ cũng có thể gặp phải, nhất là những trường hợp hậu chấn thương tại khớp.

Viêm khớp dạng thấp

Bệnh này liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vị trí đầu tiên khi trong bệnh viêm khớp là các màng hoạt dịch, từ đó gây ra rối loạn các thành phần khác bên trong khớp. Thường thì những người phụ nữ trên 40 tuổi sẽ dễ gặp phải tình trạng này.

Ngoài ra, còn rất nhiều loại viêm khớp khác như:

  • Viêm cột sống dính khớp
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn
  • Viêm khớp ngón tay cái
  • Viêm khớp tự phát ở tuổi vị thành niên
  • Viêm khớp phản ứng
  • Viêm khớp vảy nến
  • Nhiễm trùng khớp

Triệu chứng của bệnh viêm khớp

Dấu hiệu nhận biết của mỗi dạng viêm khớp tương đối khác nhau. Tuy nhiên, bệnh viêm khớp có một số biểu hiện đặc trưng như:

  • Đau khớp: Cơn đau thường xuất hiện bất ngờ và biến mất đột ngột mà không cần điều trị. Thế nhưng, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến một hoặc nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể.
  • Cứng khớp: Đây là triệu chứng nghiêm trọng và điển hình của bệnh viêm khớp. Hiện tượng cứng khớp thường diễn ra vào buổi sáng hoặc sau một khoảng thời gian dài không cử động khớp.
  • Khó cử động khớp: Thỉnh thoảng, người bệnh gặp phải một số khó khăn khi đứng dậy hoặc di chuyển. Tình trạng này có thể là dấu hiệu nhận biết của một số dạng bệnh lý xương khớp hay các vấn đề liên quan.
  • Sưng viêm, nóng đỏ và căng bóng vùng da xung quanh: Vùng da đang bị viêm khớp có màu hồng nhạt hoặc đỏ hơn hẳn so với với những khu vực xung quanh. Mức độ sưng – nóng – đỏ tùy thuộc vào tình trạng viêm khớp hiện tại.

Đối với một số loại viêm khớp (nhất là viêm khớp dạng thấp), bạn có thể cảm thấy sốt nhẹ, thiếu máu, chán ăn, khô miệng, mệt mỏi, rối loạn thị giác, loãng xương, đục thủy tinh thể, hoặc bị biến dạng khớp thể nhẹ. Ngoài ra, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân còn bị sốt nhẹ (phản ứng tự nhiên của cơ thể khi nhiễm khuẩn). Tuy nhiên, dấu hiệu này thường không đặc hiệu và khó nhận biết.

Nguyên nhân gây viêm khớp

Không có nguyên nhân cụ thể và duy nhất dẫn đến tất các các loại viêm khớp. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ tùy thuộc vào loại viêm khớp.

Một số nguyên nhân chung có thể gây viêm khớp bao gồm:

các nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp
Những nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp
  • Chấn thương, thường dẫn đến viêm khớp thoái hóa
  • Chuyển hóa bất thường trong cơ thể dẫn đến bệnh gout và bệnh giả gout
  • Di truyền dẫn đến thoái hóa khớp
  • Nhiễm trùng
  • Rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch dẫn đến viêm khớp dạng thấp và viêm khớp do lupus ban đỏ hệ thống

Hầu hết các loại viêm khớp là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên không rõ nguyên nhân và gần như không thể xác định thời điểm phát triển các triệu chứng.

Một số người có nhiều nguy có phát triển các bệnh về khớp do di truyền hơn. Chẳng hạn như người hút thuốc, nhiễm trùng, đã chấn thương trước đó, hút thuốc hoặc thực hiện các công việc đòi hỏi hoạt động thể chất. Điều này có thể tăng tương tác các gen với nhau và tăng nguy cơ viêm khớp.

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát viêm khớp và nguy cơ viêm khớp. Mặc dù thực phẩm không gây ra viêm khớp nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số loại thực phẩm có thể là tăng viêm, đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hoặc chế độ ăn uống nhiều đường tinh luyện có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, một số loại thực phẩm có thể kích thích hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh gout là loại viêm khớp có liên quan đến chế độ ăn uống. Chế độ ăn uống nhiều purin có thể làm tăng nồng độ axit uric và dẫn đến bệnh gout. Chế độ ăn nhiều purin, chẳng hạn như hải sản, rượu vang đỏ và thịt có thể làm bùng phát bệnh gout. Bên cạnh đó, một số loại rau có hàm lượng purin cao cũng có thể khiến bệnh gout nghiêm trọng hơn.

Yếu tố nguy cơ gây viêm khớp

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp. Các nguy cơ có thể cải thiện được hoặc không thể cải thiện.

Yếu tố nguy cơ không cải thiện được:

  • Tuổi tác, người cao tuổi có nhiều nguy cơ viêm khớp hơn
  • Giới tính, hầu hết các trường hợp, viêm khớp phổ biến ở nữ giới, tuy nhiên bệnh gout phổ biến ở nam hơn nữ
  • Yếu tố di truyền, các gen cụ thể có thể dẫn đến viêm khớp, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp hoặc lupus ban đỏ hệ thống

Các yếu tố có thể điều chỉnh được:

  • Thừa cân và béo phì có thể tăng nguy cơ viêm và thoái hóa khớp
  • Chấn thương, tổn thương hoặc kích ứng khớp
  • Nhiễm trùng, các loại vi sinh vật có thể gây nhiễm trùng khớp và dẫn đến nhiều dạng viêm khớp khác nhau
  • Nghề nghiệp, chẳng hạn như các công việc gập gối và ngồi xổm lặp lại thường xuyên có thể gây thoái hóa khớp gối.

Biến chứng của bệnh viêm khớp

  • Khi bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra một số biến chứng sau:
  • Biến chứng có thể nói nặng nhất của bệnh viêm khớp chính là khiến cho ổ khớp bị xoắn và biến dạng, hậu quả là gây suy giảm mạnh chức năng hoạt động của khớp.
  • Gây ra các cơn đau dai dẳng, cứng khớp khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc sinh hoạt hằng ngày. Bởi có nhiều trường hợp người bệnh không thể di chuyển được và mất khả năng làm việc.
  • Gây tàn phế suốt đời nếu không có phương pháp điều trị đúng cách.

Cách chẩn đoán bệnh viêm khớp

Trong quá trình chẩn đoán bệnh viêm khớp, bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra các khu vực xung quanh phần khớp ảnh hưởng nhằm đánh giá tình trạng tổn thương. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng kiểm tra mức độ linh hoạt của sụn khớp bằng cách yêu cầu bệnh nhân thực hiện các chuyển động khớp nhất định. Căn cứ vào loại viêm khớp được nghi ngờ, bác sĩ có thể đề nghị bạn tham gia một số xét nghiệm như:

dùng nội soi để chẩn đoán bệnh viêm khớp
Dùng phương pháp nội soi để chẩn đoán bệnh viêm khớp
  • Chụp X-quang để xác định tình trạng mất sụn, tổn thương và thay đổi kích thước của xương. Kỹ thuật này thường được áp dụng nhằm kiểm tra và theo dõi diễn biến của bệnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) cung cấp hình ảnh xương và phần mô mềm xung quanh để kiểm tra chấn thương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRT) mang đến hình ảnh cắt ngang của một số mô mềm như: gân, sụn, dây chằng thông qua việc kết hợp từ trường và sóng vô tuyến.
  • Siêu âm dùng sóng âm thanh tần số cao để thu lại hình ảnh về sụn, mô mềm và các cấu trúc khác của khớp.
  • Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (bao gồm xét nghiệm máu, dịch khớp và nước tiểu) có khả năng xác định từng loại viêm khớp.

Điều trị viêm khớp như thế nào?

Điều trị viêm khớp phụ thuộc vào việc giảm các triệu chứng và cải thiện chức năng khớp. Người bệnh có thể tham khảo nhiều biện pháp điều trị khác nhau hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị để xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Cụ thể các biện pháp điều trị bao gồm:

1. Thuốc

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp phụ thuộc vào loại viêm khớp. Cụ thể các loại thuốc phổ biến có thể bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen, được sử dụng để giảm đau nhưng không thể kháng viêm. Đối với các cơn đau nghiêm trọng, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau kê đơn chẳng hạn như tramadol hoặc hydrocodone. Các loại thuốc này hoạt động động bằng cách tác động lên hệ thống thần kinh trung ương để giảm đau.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các loại thuốc này có thể hỗ trợ giảm đau và viêm, chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen. NSAID đường uống có thể gây kích ứng dạ dày và có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Do đó, người bệnh cần sử dụng thuốc thận trọng và trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ: Một số loại kem và thuốc mỡ có chứa tinh dầu bạc hà hoặc capsaicin (thành phần làm cho ớt cay) có thể thể được sử dụng để giảm thiểu tín hiệu đau ở khớp.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): Các loại thuốc này được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, với tác dụng làm chậm viêm và ngăn ngừa hệ thống miễn dịch tấn công các khớp khỏe mạnh. Các loại thuốc phổ biến bao gồm methotrexate và hydroxychloroquine.
  • Thuốc sinh học: Các loại thuốc sinh học được sử dụng kết hợp với DMARD để điều chỉnh gen nhằm vào các phân tử protein khác nhau của hệ thống miễn dịch.
  • Thuốc corticoid: Các loại thuốc này có thể làm giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch. Thuốc có thể được sử dụng theo đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp.

Vật lý trị liệu

Bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định một số liệu pháp vật lý trị liệu phù hợp nhằm đẩy lùi tình trạng viêm khớp, bao gồm:

  • Châm cứu là kỹ thuật tác động một số vị trí cụ thể bằng kim châm cứu, từ đó hỗ trợ xoa dịu cơn đau cũng như xử lý hiệu quả các triệu chứng viêm khớp khác.

    dùng thuốc điều trị viêm khớp
    Dùng thuốc tây, kháng viêm để điều trị viêm khớp
  • Xoa bóp: Thủ thuật xoa bóp nhẹ nhàng giúp cơ bắp thư giãn hoàn toàn, giảm đau tạm thời, kích thích quá trình lưu thông máu, đồng thời làm ấm những vùng khớp bị ảnh hưởng.
  • Bài tập tăng cường chức năng của khớp thường được thiết kế đặc biệt sao cho phù hợp với cơ địa, thể trạng và mức độ bệnh lý của mỗi bệnh nhân.
  • Liệu pháp nhiệt tận dụng lợi ích của nhiệt độ (thông qua hoạt động ngâm người trong nước ấm hay tập luyện thể dục trong nước ấm) để giảm đau và giải tỏa áp lực lên hệ thống cơ – xương – khớp.
  • Vật lý trị liệu nghề nghiệp là liệu trình tư vấn và hướng dẫn bệnh nhân cách thức quản lý công việc hàng ngày nhằm đảm bảo hạn chế những tổn thương không đáng có tại xương khớp. Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bạn sử dụng một số thiết bị chuyên dụng giúp giảm thiểu áp lực lên sụn khớp.

dùng biện pháp trị liệu vật lí điều trị viêm khớp
Dùng biện pháp trị liệu vật lí điều trị viêm khớp

Liệu pháp điều trị thay thế

Một số biện pháp điều trị tại nhà hoặc liệu pháp y học cổ truyền có thể hỗ trợ cải thiện chức năng khớp và ngăn ngừa các rủi ro liên quan. Mặc dù không có nghiên cứu khoa học cụ thể, tuy nhiên người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp chẳng hạn như:

  • Châm cứu: Liệu pháp này sử dụng các kim nhỏ châm vào các điểm cụ thể trên da để hỗ trợ giảm đau và hạn chế các triệu chứng liên quan.
  • Glucosamin: Mặc dù các nghiên cứu không rõ ràng, tuy nhiên Glucosamin được sử dụng để hỗ trợ giảm các triệu chứng viêm khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối.
  • Chondroitin: Chondroitin có thể cải thiện các cơn đau nhẹ do viêm khớp, mặc dù các nghiên cứu không rõ ràng.
  • Yoga và thái cực quyền: Các động tác kéo giãn chậm rãi kết hợp của yoga và thái cực quyền có thể giúp cải thiện tính linh hoạt của khớp và tăng phạm vi chuyển động ở người bệnh.
  • Massage: Xoa bóp và vuốt nhẹ ở các cơ gần khớp có thể làm tăng lưu lượng máu và làm ấm các khớp bị ảnh hưởng, điều này có thể giảm đau tạm thời.

Phẫu thuật chữa viêm đa khớp

Việc phẫu thuật thay thế khớp viêm bằng khớp nhân tạo được áp dụng khi bệnh đã diễn biến nghiêm trọng và không thể đáp ứng được bất kỳ phương pháp điều trị nào nữa. Thông thường thì phương pháp này được áp dụng nhiều nhất cho việc thay thế khớp gối và khớp hông.

dùng phẫu thuật điều trị viêm khớp
Dùng phương pháp phẫu thuật để điều trị viêm khớp

Còn trong trường hợp vùng khớp bị thương là ở ngón tay và cổ tay thì sẽ phải thực hiện hợp hạch, tức là các đầu xương sẽ được nối khóa chắc lại với nhau cho đến khi chúng lành lại và hợp nhất làm một.

Sử dụng thuốc Nam

Có khá nhiều bài thuốc dân gian với công dụng giảm nhẹ các triệu chứng sưng đau khó chịu do bệnh viêm khớp. Những mẹo dân gian này đều rất dân dã, tiết kiệm và dễ dàng thực hiện. Trong quá trình điều trị bệnh lý, bạn có thể cân nhắc áp dụng một số cách làm phổ biến dưới đây:

  • Bài thuốc từ lá lốt: Phơi khô 5 – 10 chiếc lá lốt, sau đó sắc toàn bộ nguyên liệu với 2 chén nước sạch cho tới khi thuốc cạn đi còn ½ chén, dùng khi còn ấm, trước bữa ăn 30 phút.
  • Bài thuốc từ cây trinh nữ: Ngâm 120g rễ cây trinh nữ rang khô với một lượng rượu 40 độ vừa đủ, sau đó đem nguyên liệu sắc uống mỗi ngày.
  • Bài thuốc từ rau ngổ: Chuẩn bị 1 nắm rau ngổ tươi, rửa sạch và giã nhuyễn rồi đắp tinh chất rau ngổ lên vùng khớp đang bị sưng viêm, cuối cùng quấn chặt bằng vải mỏng. Sau khoảng 30 – 60 phút, bạn tháo vải ra và rửa sạch, áp dụng 1 – 2 lần/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.

Người bị bệnh viêm khớp ăn uống như thế nào?

Bên cạnh việc uống thuốc, tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ thì người bệnh cũng cần kết hợp với một chế độ ăn uống khoa học. Bởi vì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp.

Theo đó người bệnh cần lưu ý những loại thực phẩm nên ăn và không nên ăn như:

Thực phẩm người bệnh viêm khớp nên ăn

thực hiện chế độ ăn phù hợp với bệnh viêm khớp
Thực hiện chế độ ăn phù hợp với bệnh viêm khớp
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3 như cá thu, cá trích, cá mòi, cá thu…để giúp kháng viêm, giảm đau tốt hơn.
  • Nên ăn nhiều các loại ngũ cốc như lúa mạch, các loại hạt đậu khô, gạo lức…vì chúng có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và khả năng kháng khuẩn tự nhiên của cơ thể.
  • Mỗi ngày phải uống từ 2 – 2,5 lít nước để hỗ trợ cơ thể loại bỏ các loại độc tố ra khỏi cơ thể cũng như bảo vệ lớp đệm tự nhiên của cơ thể.
  • Ăn nhiều rau củ quả tươi như cam, quýt, bông cải, rau bina…vì chúng rất giàu chất xơ và các loại vitamin A, B, C, E…giúp giảm thiểu phần nào tình trạng viêm khớp.
  • Thường xuyên bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa vì chúng rất giàu canxi, vitamin D vô cùng có lợi cho xương khớp. Tuy nhiên, hãy uống sữa sao cho khoa học, đúng cách để đạt được hiệu quả tốt nhất, ngăn ngừa tình trạng loãng xương.

Bệnh viêm khớp nên kiêng ăn gì?

Những người mắc bệnh viêm khớp cần phải kiêng một số loại thực phẩm sau:

  • Những món ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…
  • Các món ăn được chế biến từ nội tạng động vật, các loại thịt màu đỏ như thịt trâu, thịt chó, thịt dê…
  • Hạn chế ăn nhiều muối, đường cũng như không nên uống nước ngọt có ga vì nó có chứa nhiều phot pho.
  • Nên kiêng các loại trái cây có chứa chất axit oxalic như mận, việt quất, củ cải…
  • Đặc biệt là kiêng ăn ngô cũng như các chế phẩm từ sữa, bơ vì chúng có chứa lượng chất béo bão hòa vô tình làm tăng tình trạng đau nhức, sưng khớp.
  • Tuyệt đối tránh xa việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá…

Hướng dẫn phòng ngừa bệnh viêm khớp

Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm khớp vô cùng đơn giản. Độc giả chỉ cần xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh với lịch trình sinh hoạt – làm việc điều độ, duy trì chế độ dinh dưỡng đa dạng, phong phú và thường xuyên luyện tập thể dục – thể thao. Bên cạnh đó, bạn nên:

  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng, lo lắng về mệt mỏi.
  • Hạn chế làm việc quá sức hay lao động nặng nhọc.
  • Kiểm soát cân nặng.
  • Bảo vệ khớp bằng một số thiết bị chuyên dụng như nẹp hoặc băng.
  • Kiêng tắm khuya, dầm mưa, ngồi quá lâu, nằm quá nhiều, sinh hoạt sai tư thế.
  • Quan tâm chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ giấc, đúng giờ, sử dụng gối mềm với độ cao vừa phải và thường xuyên thay đổi tư thế khi ngủ nhằm phòng tránh tình trạng đau mỏi khó chịu.
  • Chủ động thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các vấn đề về xương khớp và rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể.

Viêm khớp là bệnh lý tương đối phổ biến và có thể gây ra nhiều biến chứng trầm trọng nếu không được xử lý nhanh chóng, dứt điểm. Hy vọng bài viết đã mang đến nhiều thông tin bổ ích về tình trạng thường gặp này. Chúc bạn luôn dẻo dai và khỏe mạnh.

Tìm hiểu thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *