Cách Điều Trị Thoái Hóa Khớp Gối Bằng Tiêm Tế Bào Gốc
Cách điều trị thoái hóa khớp gối bằng tiêm tế bào gốc được thực hiện thông qua sử dụng mô của người bệnh nhằm hỗ trợ cải thiện các triệu chứng thoái hóa gây ra, đồng thời ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Mặc dù đây là liệu pháp điều trị tương đối mới nhưng được cho là có hiệu quả tương đối cao.
Tổng quan về bệnh thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là hậu quả của vấn đề sinh học và cơ học gây ra tổn thương cũng như mất ổn định quá trình tổng hợp và thoái hóa của tế bào sụn khớp gối, song chất dịch khớp cũng giảm dần theo tình trạng viêm. Khi vận động, các đầu khớp cọ xát vào nhau sẽ gây ra những cơn đau nhức, cứng khớp và hành vi di chuyển kém linh hoạt. Đa số đối tượng bị thoái hóa khớp gối là người già, người cao tuổi, người thừa cân, béo phì, người lao động nặng nhọc. Tuy nhiên, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa do số lượng người trẻ mắc bệnh đang không ngừng gia tăng theo từng năm.
Các chuyên gia cho biết, bản chất của bệnh thoái hóa khớp gối không chỉ làm ảnh hưởng đến tình trạng sụn khớp gối mà còn làm ảnh hưởng đến xương dưới sụn, dây chằng, bao khớp, màng hoạt dịch và những cơ quanh khớp. Nếu không tiến hành điều trị kịp thời, các cơn đau do bị thoái hóa khớp gối có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Với nền y học ngày càng phát triển, hiện có không ít các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối hiệu quả như điều trị nội khoa bằng thuốc, điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật, thay khớp gối, vật lý trị liệu và liệu pháp tiêm tế bào gốc.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc là gì? Có tốt không?
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc là phương pháp lấy tế bào gốc trong cơ thể, cụ thể là từ mô mỡ ở vùng thắt lưng của bệnh nhân. Sau đó tách chiết những tế bào gốc rồi mang nhân lên để tiêm trực tiếp vào khu vực khớp gối. Đây là biện pháp điều trị nhằm khắc phục tình trạng thoái hóa tổ chức xương khớp và tái tạo lại cấu trúc của hệ thống này.
Theo nghiên cứu tại Mỹ, các thử nghiệm liên quan đến tế bào gốc trên thể trạng bệnh nhân thoái hóa khớp gối được thực hiện thành công 100%. Còn tại Nhật Bản, đáp ứng của người bệnh có thể đạt tới 83% thuyên giảm chỉ sau duy nhất 1 lần tiêm. Đây đều là những bằng chứng khoa học khẳng định việc điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc sẽ mang lại khả năng điều trị dứt điểm.
Các nhà khoa học cũng cho biết thêm rằng, quá trình lấy mô mỡ sẽ không hề gây đau cho người bệnh, do vậy có thể an tâm áp dụng cho nhiều đối tượng. Kể cả là người cao tuổi và người có sức khỏe kém.
Dưới đây là những đối tượng có thể áp dụng phương pháp điều trị này:
- Người trưởng thành bị mắc bệnh thoái hóa khớp gối, tình trạng sức khỏe ổn định và không có quá nhiều các tình trạng bệnh lý khác.
- Người ở độ tuổi trung niên có biểu hiện đau và sưng tại khớp gối, đã có điều trị bằng thuốc nội khoa hoặc phẫu thuật nhưng bị tái phát.
- Người cao tuổi vẫn có thể áp dụng biện pháp này. Tuy có tỷ lệ đáp ứng thấp hơn nhưng vẫn giúp cải thiện được cấu trúc xương khớp.
- Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối bẩm sinh cần lấy tế bào gốc từ sớm, sau đó lưu trữ tại bệnh viện. Khi tình trạng nặng thì sử dụng những tế bào này để tiêm trực tiếp vào khớp gối.
- Người bệnh bị thoái hóa khớp gối nặng và không muốn thực hiện phẫu thuật thay khớp, có thể thay thế bằng cách tiêm tế bào gốc.
Một số đối tượng cần thận trọng hoặc chống chỉ định:
- Phụ nữ đang có thai hoặc trong thời gian đang có con bú.
- Trẻ nhỏ dưới 18 tuổi.
- Những người mắc bệnh lý nan y như: Tiểu đường, suy tuyến tụy,…cần được sự cho phép của bác sĩ thì mới tiến hành.
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc có an toàn không?
Thủ thuật điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc được đánh giá là phương pháp điều trị tương đối an toàn vì bản chất của tế bào gốc được tách từ cơ thể của người bệnh. Không những vậy, thủ thuật điều trị này còn giúp giảm thiểu nguy cơ phản ứng không mong muốn. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị có thể xuất hiện triệu chứng sưng và đau tạm thời ở khớp gối. Nhưng theo sự đánh giá của chuyên gia y tế, triệu chứng này chỉ là tác dụng phụ tạm thời, không quá nghiêm trọng và dễ tiêu biến trong vài giờ đồng hồ.
Bên cạnh đó, một số trường hợp sau khi điều trị có thể dẫn đến trường hợp nhiễm trùng ở khớp gối. Rủi ro này có thể xảy ra do các yếu tố sau:
- Sử dụng loại tế bào gốc khác để thay thế cho tế bào gốc của người trường thành;
- Các tế bào gốc được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trong khoảng thời gian dài;
- Tế bào gốc có pha trộn các chất hóa học;
- Bác sĩ không có tay nghề hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc điều trị thoái hóa khớp gối bằng thủ thuật tiêm tế bào gốc;
- Cơ sở y tế không đảm bảo điều kiện tiệt trùng.
Chữa khớp gối bằng tế bào gốc như thế nào?
Bởi vì đây là phương pháp điều trị mới, do vậy mọi quá trình thực hiện đều phải tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Về phía người bệnh, nên có quá trình tìm hiểu trước và đảm bảo thể trạng cơ thể được tốt nhất trước thời gian tiêm tế bào gốc.
Dưới đây là quy trình thực hiện điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc:
- Bước 1: Tiến hành lấy 50cc mỡ ở khu vực thắt lưng bệnh nhân. Nếu vùng này không có hoặc chất lượng mỡ kém thì có thể di chuyển sang vùng mỡ bụng.
- Bước 2: Sau khi lấy mỡ thì tiến hành tách chiết 3cc tế bào gốc và bảo quản.
- Bước 3: Đồng thời rút 25cc máu từ tĩnh mạch và chiết 3cc huyết tương.
- Bước 4: Nhân viên y tế thực hiện trộn đều hai lọ dịch từ bước 2 và bước 3 trong môi trường vô khuẩn.
- Bước 5: Tiêm thuốc tê vào khu vực khớp gối để tránh làm đau bệnh nhân, sau đó để ổn định và tiêm hỗn hợp ở bước 4 vào khớp gối.
Thao tác trong thời gian thực hiện tiêm cần tỉ mỉ, cẩn thận và nhanh gọn. Đảm bảo đúng theo quy định của bộ Y tế để tránh làm nhiễm trùng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng tế bào gốc.
Ưu nhược điểm điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc được áp dụng cho nhiều đối tượng và được chứng minh bằng cơ sở khoa học. Do vậy người bệnh có thể an tâm khi thực hiện. Tuy nhiên phương pháp nào cũng sẽ có những ưu điểm nổi bật và nhược điểm cần khắc phục, do vậy bản thân bệnh nhân cũng không nên “thần thánh hóa” cách điều trị này.
Tốt nhất khi muốn thực hiện điều trị bằng tế bào gốc, người bệnh nên đọc những thông tin dưới đây.
Ưu điểm
Những ưu điểm nổi bật của hình thức có thể kể đến như:
- Tiết kiệm được chi phí điều trị cho người mắc bệnh mãn tính, đặc biệt là khi bệnh nhân phải sử dụng các dòng thuốc giảm đau và kháng viêm trong thời gian lâu dài. Mặt khác, biện pháp này còn giảm những tác dụng có hại cho cơ thể khi sử dụng nhóm thuốc nội khoa, đặc biệt là với người lớn tuổi.
- Sử dụng thay thế cho biện pháp phẫu thuật, giảm được tình trạng đau đớn và xuất hiện biến chứng sau đó.
- Đây được xem là biện pháp điều trị an toàn, không gây đau hoặc ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt thường ngày sau khi thực hiện.
- Tỷ lệ đáp ứng và phục hồi sau khi tiêm là rất cao (khoảng 80%), người bệnh thâm chí còn không cần đến những biện pháp hỗ trợ mà được hồi phục một cách tự nhiên.
Nhược điểm
Điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc cũng có một số nhược điểm cần được khắc phục như:
- Hiệu quả điều trị chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, từ 3 – 4 năm. Sau đó, bệnh nhân sẽ thấy tái xuất hiện những triệu chứng của bệnh. Đối với người lớn tuổi, tình trạng này sẽ gặp sớm hơn so với người trẻ tuổi.
- Chất lượng của các tế bào gốc sẽ phụ thuộc vào thời điểm lấy. Nghĩa là, nếu tế bào gốc được lấy từ khi người bệnh đang còn trẻ, có sức khỏe tốt thì khi nhân dòng và tiêm vào khớp sẽ mang lại đáp ứng tốt hơn. Trong trường hợp bệnh nhân cao tuổi, không có tế bào gốc trước đó thì đương nhiên chất lượng sẽ thấp hơn.
- Đây cũng là phương pháp có tỷ lệ đáp ứng phụ thuộc vào cơ địa. Tùy từng thể trạng người bệnh mà có độ tương thích khác nhau. Một số bệnh nhân còn bị tình trạng đào thải và khiến sức khỏe có sự suy giảm rõ rệt.
- Biện pháp điều trị này hiện mới chỉ được áp dụng tại một số bệnh viện lớn, do vậy người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong thăm khám và điều trị. Để chắc chắn về việc có thực hiện điều trị bằng tế bào gốc hay không, thì bệnh nhân nên trao đổi kỹ với bác sĩ phụ trách để được hỗ trợ.
Các biện pháp điều trị thoái hóa khớp gối khác
Bên cạnh phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tham khảo nhiều biện pháp điều trị hiệu quả khác, chẳng hạn như:
Các phương pháp chăm sóc tại nhà
Ngoài vật lý trị liệu, có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối tại nhà có thể mang lại hiệu quả cao. Mục tiêu của các phương pháp này là hỗ trợ giảm đau, giảm căng thẳng lên khớp và làm chậm quá trình tiến triển của viêm khớp.
Cụ thể, các biện pháp bao gồm:
- Giảm cân: Giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể giảm trọng lượng dư thừa tác động lên khớp gối. Điều này có thể giảm viêm ở khớp gối cũng như trên toàn cơ thể và ngăn ngừa các biến chứng của tình trạng viêm xương khớp.
- Nghỉ ngơi phù hợp: Dành thời gian nghỉ ngơi có thể làm dịu tình trạng viêm khớp và ngăn ngừa bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Khi cơn đau do viêm khớp trở nên trầm trọng hơn do các chuyển động lặp đi lặp lại, người bệnh nên dừng các hoạt động và nghỉ giải lao.
- Sử dụng giày phù hợp: Đi giày phù hợp hoặc có các miếng lót được thiết kế để giảm áp lực lên đầu gối, hông và đầu gối.
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Các thiết bị, chẳng hạn như nẹp, gậy có thể được sử dụng để ổn định và giảm áp lực ở khớp gối.
- Chườm ấm: Chườm ấm có thể thư giãn các khớp, hạn chế tình trạng cứng khớp và cải thiện cơn đau.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh sau khi hoạt động thể chất có thể giảm sưng và giảm đau nhanh chóng.
- Xoa bóp, massage: Các biện pháp này có thể cải thiện lưu thông, làm giảm căng cơ và giảm đau.
- Thực hiện chế độ ăn uống chống viêm: Chế độ ăn uống chống viêm nhằm mục đích giảm viêm trong cơ thể, hạn chế quá trình thoái hóa khớp và giảm đau. Người bệnh có thể tăng cường bổ sung các loại rau xanh, trái cây, chất béo omega 3 để cải thiện các triệu chứng.
Các phương pháp điều trị tại nhà thường cần một thời gian để phát huy tác dụng. Ngoài ra, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu sử dụng các bài tập có mục tiêu để duy trì khả năng hoạt động và đảm bảo các công việc hàng ngày, chẳng hạn như đi bộ, chạy hoặc nhảy. Ngoài ra, tập vật lý trị liệu có thể giúp cơ bắp khỏe hơn, hỗ trợ tính ổn định và giảm căng thẳng cho khớp.
Cụ thể, vật lý trị liệu thoái hóa khớp gối bao gồm:
- Thay đổi dáng đi và tư thế: Bác sĩ có thể đánh giá dáng đi của người bệnh và xác định các vấn đề cơ sinh học để góp phần dẫn đến thoái hóa khớp gối. Sau đó, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh thực hiện các thói quen tốt và hạn chế các vấn đề xương khớp trong tương lai.
- Vật lý trị liệu dưới nước: Các bài tập dưới nước có thể hỗ trợ cải thiện các vấn đề liên quan đến thoái hóa khớp gối mà không gây đau đớn. Thực hiện các bài tập thường xuyên có thể tăng cường các cơ xung quanh khớp và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
Tiêm nội khớp
Nếu các phương pháp điều trị không xâm lấn, chẳng hạn như giảm cân hoặc vật lý trị liệu không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể đề nghị tiêm nội khớp để cải thiện các triệu chứng.
Một số loại thuốc tiêm được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối bao gồm:
- Tiêm chất nhờn điều trị thoái hóa khớp gối có thể giúp bôi trơn, giảm ma sát khớp và cải thiện các triệu chứng thoái hóa.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) có thể giảm đau cũng như kích thích tế bào và mô lành lại.
- Tiêm cortisone (steroid) làm giảm viêm, sưng và cải thiện cơn đau khớp.
Tiêm steroid là phương pháp chính trong điều trị thoái hóa khớp, tuy nhiên phương pháp có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Phẫu thuật
Nếu khớp gối bị tổn thương nghiêm trọng, không thể phục hồi, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng.
Mặc dù phẫu thuật khớp có thể giảm đau và cải thiện chức năng khớp gối nhưng quá trình hồi phục có thể kéo dài, cần sử dụng thuốc giảm đau và vật lý trị liệu hàng tuần hoặc hàng tháng. Ngoài ra, phẫu thuật có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như nhiễm trùng. Do đó, trước khi phẫu thuật, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Liệu pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc là một lĩnh vực tương đối mới và đang được nghiên cứu mở rộng. Tuy nhiên theo các thống kê ban đầu cho thấy, hiệu quả của liệu pháp tương đối cao. Người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể về lợi ích và rủi ro của liệu pháp tiêm tế bào gốc vào khớp gối trước khi tiến hành điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!