Viêm Khớp Ngón Tay Là Gì? Điều Trị Bao Lâu Thì Khỏi?

Viêm khớp ngón tay là một trong những bệnh lý liên quan đến xương khớp khá phổ biến có thể ảnh hưởng đến một hay nhiều khớp ngón tay cùng lúc. Các triệu chứng bệnh lý thường gây sưng đau, làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp và có thể gây biến chứng tàn phế nên cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

viêm khớp ngón tay
Bệnh viêm khớp ngón tay

Viêm khớp ngón tay là gì?

Bệnh viêm đau khớp ngón tay là tình trạng sụn khớp của ngón tay bị thoái hóa, bào mòn, khiến các đầu xương cọ xát vào nhau, dẫn đến tổn thương và sưng đau. Bệnh lý này có thể xuất hiện ở mọi vị trí (phổ biến ở đầu ngón tay và vị trí khớp nối giữa các ngón tay) và diễn biến mạn tính âm thầm trong nhiều năm.

Đặc trưng nổi bật nhất của bệnh viêm đau khớp ngón tay là các khớp viêm thường nằm đối xứng hai bên với triệu chứng đau đỏ, sưng viêm và cứng khớp, gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống gân, cơ, dây chằng và các mô xung quanh.

Viêm đau khớp ngón tay là căn bệnh xương khớp tuổi già bắt nguồn từ quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, yếu tố di truyền hay tình trạng thừa cân – béo phì cũng có thể là nguyên nhân sinh bệnh. Các thống kê cho thấy, tỷ lệ nữ giới mắc phải vấn đề này cao hơn hẳn so với nam giới.

viêm khớp ngón tay
Bệnh viêm khớp ngón tay dẫn đến tình trạng sụn khớp của ngón tay bị thoái hóa, biến dạng

Nhìn chung, đây không phải bệnh lý nguy hiểm. Thế nhưng, người bệnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày như: khó ngủ, chán ăn, khả năng vận động bị giới hạn. Nhiều chuyên gia cho biết, nếu vệ sinh cẩn thận, giữ ấm đầy đủ, sử dụng thuốc Tây đúng chỉ định cũng như tập vật lý trị liệu đều đặn, bệnh nhân có thể kiểm soát và cải thiện triệu chứng vô cùng hiệu quả.

Nguyên nhân gây viêm khớp ngón tay

Các nguyên nhân gây viêm khớp ngón tay bao gồm:

  • Các chấn thương vật lý: Một chấn thương xảy ra tại khớp ngón tay có thể tiến triển thành viêm khớp. Đây là nguyên nhân gây bệnh viêm khớp ngón tay thường gặp ở người trẻ tuổi hoặc người lao động nặng nhọc, thường xuyên sử dụng đôi tay.
  • Rối loạn chuyển hóa: Tình trạng rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, điển hình là tình trạng tăng axit uric trong máu có thể dẫn đến bệnh gout, từ đó làm sưng viêm các khớp ngón tay.
  • Di truyền: Bệnh viêm khớp có tính chất di truyền liên quan đến việc sở hữu gene bị bệnh ở một cá nhân có người thân trong gia đình như cha, mẹ, ông bà từng mắc căn bệnh này, đặc biệt là bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Nhiễm khuẩn: Tình trạng nhiễm trùng cấp tại cơ quan khác cũng có thể ảnh hưởng đến khớp ngón tay và khiến khớp bị viêm.
  • Rối loạn hệ miễn dịch: Chức năng miễn dịch bị rối loạn khiến cơ thể tự tấn công vào các tế bào khỏe mạnh tại khớp ngón tay. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Khớp ngón tay bị viêm thường có tính chất đối xứng.
nguyên nhân gây viêm khớp ngón tay
Thói quen bẻ các đốt ngón tay cũng là nguyên nhân dẫn đến việc bị viêm khớp ngón tay

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm khớp ngón tay

Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến ở trên, một số yếu tố sau cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp ngón tay:

  • Lớn tuổi: Tuổi tác càng lớn thì nguy cơ bị viêm khớp ngón tay càng tăng
  • Giới tính: Tỷ lệ mắc viêm khớp ngón tay ở nữ giới cao hơn so với nam. Tuy nhiên, một số dạng viêm khớp có thể phổ biến hơn ở nam, điển hình là bệnh gout.
  • Thừa cân, béo phì: Yếu tố này không chỉ thúc đẩy viêm khớp ngón tay phát triển mà còn khiến các các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Những người có thói quen lạm dụng bia rượu, thường xuyên ăn các thực phẩm giàu purin, chế độ ăn nhiều thịt đỏ… dễ mắc bệnh viêm khớp ngón tay hơn do với các đối tượng có chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Nghề nghiệp: Một số công việc đòi hỏi phải sử dụng các khớp ngón tay nhiều, chẳng hạn như may mặc, đóng gói bao bì… Việc lạm dụng khớp quá nhiều sẽ khiến các mô sụn nhanh chóng bị thoái hóa và tiến triển thành viêm khớp.
  • Tiền sử mắc bệnh: Các trường hợp bị tăng huyết áp hoặc mắc bệnh tim mạch cũng có nguy cơ cao bị viêm khớp ngón tay và nhiều dạng viêm khớp khác.
  • Hút thuốc lá: Thường xuyên hút thuốc lá có thể gây ra bệnh hô hấp mãn tính và tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm khớp ngón tay và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác phát triển.
viêm khớp ngón tay
Các yếu tố làm ảnh hưởng đến các khớp ngón tay dẫn đến bàn tay bị thay đổi

Những dấu hiệu bệnh viêm khớp ngón tay

Đau nhức là triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất của viêm khớp ngón tay. Cơn đau có thể xảy ra tại gốc ngón tay cái khi bạn nắm, chụp bắt hay véo một vật nào đó hoặc dùng lực ngón tay cái.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Sưng, cứng và đau ở gốc ngón tay
  • Giảm sức mạnh khi véo hoặc nắm một vật nào đó
  • Giảm phạm vi chuyển động tay
  • Khớp tại gốc ngón tay cái to ra hoặc nhìn thấy cục xương

 

 

triệu chứng bệnh đau khớp ngón tay
Những dấu hiệu đau nhức các khớp ở bàn tay cho thấy bạn đang có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp ngón tay

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bệnh viêm khớp ngón tay có nguy hiểm không?

Viêm khớp ngón tay gây sưng và đau nhức khớp khiến cho người bệnh gặp phải một số khó khăn nhất định trong sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày. Tình trạng này kéo dài có thể tiến triển thành mãn tính. Lúc này, bệnh có thể tái phát nhiều đợt trong năm gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe cũng như chất lượng sống của người bệnh.

Ở mức độ nặng, bệnh viêm khớp ngón tay còn có thể gây tổn thương khớp nghiêm trọng dẫn đến biến dạng khớp, nghiêm trọng hơn là tàn phế. Do đó, nếu có dấu hiệu bị bệnh bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Cần chủ động thăm khám và tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh được chữa khỏi ngay từ giai đoạn cấp.

Viêm khớp ngón tay
Việc đau nhức các khớp tay làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn

Phương pháp điều trị viêm đau khớp ngón tay

Hiện nay, có 3 cách điều trị viêm đau khớp ngón tay được áp dụng rộng rãi nhất, bao gồm: phương pháp Tây y, phương pháp Đông Y và vật lý trị liệu.

Phương pháp Tây y

Tây y là phương pháp điều trị dựa trên tiến bộ y học hiện đại. Trong quá trình chữa bệnh, bạn có thể kết hợp phương pháp Tây y, phương pháp Đông y với vật lý trị liệu để tăng cường hiệu quả phục hồi.

Sử dụng thuốc Tây y

Mục tiêu hàng đầu của việc điều trị viêm khớp bằng thuốc Tây y là đẩy lùi các cơn đau nhức và cải thiện khả năng vận động của mỗi người bệnh. Phương pháp này rất đơn giản, tiện lợi, dễ dàng, tiết kiệm chi phí và mang đến hiệu quả nhanh chóng, tức thời.

Tuy nhiên, các loại thuốc Tây cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ra một số tác dụng không mong muốn và thường đi kèm rủi ro tái phát cao. Đối với những người bệnh viêm đau khớp ngón tay thể nhẹ, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định một số loại thuốc điều trị sau:

Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID)

Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) có tác dụng chống viêm, giảm đau vô cùng hiệu quả. Khả năng chống viêm mạnh mẽ chính là đặc điểm khác biệt lớn nhất giữa nhóm thuốc này với nhóm thuốc giảm đau. Một số loại thuốc kháng viêm không chứa steroid thông dụng là: natri naproxen (aleve), ibuprofen (advil) cùng các loại thuốc theo toa khác. Hiện nay, thị trường Việt Nam có nhiều loại thuốc kháng viêm không chứa steroid ở cả dạng thuốc uống và kem/gel bôi ngoài da.

Thuốc giảm đau

Đây là một trong những loại thuốc điều trị viêm đau khớp ngón tay đầu tiên được các chuyên gia khuyên dùng. Acetaminophen (tylenol) là loại thuốc giảm đau phổ biến nhất hiện nay. Nếu bạn bị đau buốt nặng, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định thêm tramadol (ultracet, ultram) cùng một số thuốc giảm đau gây nghiện với thành phần oxycodone như percocet và oxycontin.

Thuốc chống thấp khớp (DMARD)

Nhóm thuốc này (methotrexate (trexall), hydroxychloroquine (plaquenil)) thường được dùng để chữa trị viêm đau khớp ngón tay do viêm khớp dạng thấp. Thuốc chống thấp khớp có thể cản trở quá trình tấn công của hệ miễn dịch vào các khớp xương ở ngón tay.

Corticosteroid

Nhóm thuốc này bao gồm cortisone và prednisone. Corticosteroid có khả năng ức chế miễn dịch và hạn chế sưng viêm, thường được đưa vào cơ thể bằng đường uống và đường tiêm. Tuy nhiên, việc sử dụng loại nhóm thuốc này trong một thời gian dài có thể dẫn đến một số tác dụng không mong muốn như: tăng cân, da mỏng, suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, tiểu đường, hạ kali trong máu, viêm loét dạ dày – tá tràng, teo cơ, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, loãng xương…

Thuốc sinh học

Với mục tiêu ngăn chặn phản ứng miễn dịch khi cơ thể tấn công nhầm vào các sụn khớp ở ngón tay, thuốc sinh học thường được kết hợp sử dụng với thuốc chống thấp khớp. Infliximab (remicade) và etanercept (enbrel) là hai loại thuốc sinh học phổ biến nhất trong quá trình chữa bệnh viêm đau khớp ngón tay.

thuốc điều trị viêm khớp ngón tay
Phương pháp sử dụng thuốc tây để điều trị bệnh viêm khớp ngón tay

Phẫu thuật can thiệp

Khi tình trạng viêm đau khớp ngón tay trở nên tồi tệ hay cách điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả như ý, bác sĩ sẽ đề xuất phương án phẫu thuật can thiệp. Công nghệ hiện đại này giúp loại bỏ tác nhân viêm nhiễm, chấm dứt cơn đau và củng cố mức độ linh hoạt, đàn hồi của các ngón tay. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phải nẹp ngón tay hoặc bó bột trong vòng 6 tuần trước khi tham gia các bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Kỹ thuật thay khớp nhân tạo

Thay khớp nhân tạo được thực hiện khi một phần hoặc toàn bộ sụn khớp bị phá hủy. Hiện nay, y học đã phát minh phương pháp thay khớp ngón tay nhân tạo. Với kỹ thuật này, các phẫu thuật viên sẽ thay thế phần khớp sưng viêm bằng mô khớp nhân tạo từ nhựa hay kim loại. Lúc đó, khớp nhân tạo trở thành bản lề mới, giúp giảm đau và cho phép khớp tự do cử động.

Phẫu thuật hàn xương

Hàn xương (làm cứng khớp) phù hợp với mọi vị trí sụn khớp, đặc biệt là khớp liên đốt gần và khớp liên đốt xa. Dạng phẫu thuật này được áp dụng cho các cơn đau nhức và biến dạng khớp do viêm nhiễm. Kỹ thuật hàn xương đem đến hiệu quả ổn định, chắc chắn hơn hẳn so với việc cố gắng bảo tồn chuyển động của khớp (bằng cách thay khớp).

Thủ thuật cố định khớp

Những phần xương trong khớp bị tổn thương sẽ được hợp nhất vĩnh viễn. Sau khi hợp nhất, khớp ngón tay có thể chịu được trọng lượng lớn mà không cảm thấy đau nhức khó chịu. Tuy nhiên, khớp khó đạt được mức độ linh hoạt như xưa.

Kỹ thuật mở xương

Những phần xương trong khớp bị ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ được tái định vị nhằm điều chỉnh biến dạng.

Phẫu thuật cắt bỏ

Với kỹ thuật này, một trong các xương của khớp ngón tay cái (xương thang) sẽ bị loại bỏ vĩnh viễn.

phẫu thuật điều trị đau khớp ngón tay
Sử dụng phương pháp phẫu thuật dùng để điều trị bệnh đau khớp ngón tay

Vật lý trị liệu phục hồi chức năng

Trong quá trình điều trị viêm đau khớp ngón tay, bên cạnh việc sử dụng thuốc Tây y hoặc áp dụng các bài thuốc Đông y, bệnh nhân có thể kết hợp một số bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Các động tác đơn giản, nhẹ nhàng giúp thư giãn gân cốt, tăng cường chức năng vận động và bảo vệ ngón tay khỏi các áp lực đến từ môi trường bên ngoài.

Ở giai đoạn này, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, người bệnh cần hạn chế đóng mở nắp lọ – chai hay cầm nắm, mang vác đồ vật cồng kềnh. Nếu bị co cứng và đau buốt ngón tay nghiêm trọng, bạn có thể xoa cao nóng, sử dụng miếng dán giảm đau hoặc đeo găng tay cao su chuyên dụng nhằm đẩy lùi triệu chứng.

Dưới đây là một số bài tập vật lý trị liệu đơn giản mà bạn có thể dễ dàng thực hiện tại nhà:

Động tác nắm tay

Bài tập này giúp xoa dịu cảm giác đau mỏi bàn tay, đồng thời nâng cao mức độ linh hoạt của ngón tay.

  • Duỗi các ngón tay hết mức (cho tới khi bạn không còn cảm thấy đau nhức)
  • Nhẹ nhàng nắm bàn tay lại sao cho ngón tay cái ở bên ngoài những ngón tay còn lại
  • Giữ nguyên 30 – 60s rồi duỗi thẳng các ngón tay
  • Lặp lại động tác tối thiểu 4 lần ở cả hai bàn tay

Động tác duỗi bàn tay

Bài tập này có thể thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu đến toàn bộ cơ – gân của mu bàn tay.

  • Úp hai bàn tay trên mặt bàn và thả lỏng
  • Duỗi thẳng ngón tay sao cho các ngón tay và lòng bàn tay áp sát mặt bàn
  • Giữ nguyên 30 – 60s rồi quay về tư thế ban đầu
  • Lặp lại động tác tối thiểu 4 lần ở cả hai bàn tay

Động tác tăng cường sức mạnh của ngón tay

Bài tập này hỗ trợ bệnh nhân cầm nắm thuận tiện, dễ dàng hơn, đồng thời khắc phục tình trạng co cứng, tê bì ngón tay, bàn tay.

  • Giữ chặt một trái bóng cao su mềm trong lòng bàn tay
  • Bóp bóng bằng toàn bộ sức lực
  • Giữ nguyên vài giây rồi nhẹ nhàng thả ra
  • Lặp lại 10 – 15 lần mỗi bên, áp dụng 2 – 3 lần/tuần (cho bàn tay nghỉ ngơi ít nhất 2 ngày sau mỗi lần tập)
  • Lưu ý: Những người bị chấn thương hoặc gãy tay không nên thực hiện bài tập này

Chế độ ăn uống sinh hoạt cho người bị viêm khớp ngón tay

Duy trì một lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng của viêm khớp ngón tay và thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương tại khớp. Trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày bạn cần chú ý:

  • Hạn chế các hoạt động mạnh ở ngón tay bị bệnh trong thời gian bị viêm để khớp được nghỉ ngơi và nhanh hồi phục
  • Kiêng hút thuốc là và tránh uống nhiều bia rượu. Những chất kích thích này có thể kích hoạt phản ứng viêm tại khớp thêm trầm trọng.
  • Đối với những người làm việc thường xuyên phải sử dụng khớp ngón tay, chẳng hạn như nhân viên nhập liệu thì nên xoa bóp bàn tay thường xuyên sau mỗi giờ để tránh bị cứng khớp và kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng các khớp ngón tay.
  • Hạn chế ăn thịt đỏ, các thực phẩm giàu purin, đồ ngọt, muối khi đang bị viêm khớp ngón tay. Thay vào đó, bạn nên bổ sung các thực phẩm chứa hoạt chất kháng viêm, giảm đau tự nhiên như gừng, tỏi, nghệ, súp lơ xanh, cá hồi, hạt óc chó, dầu ô liu…
Chế độ ăn dinh dưỡng cho người bệnh đau khớp ngón tay
Chế độ ăn phù hợp và không phù hợp để cải thiện cũng như đảm bảo sức khỏe cho người mắc bệnh đau khớp tay

Viêm đau khớp ngón tay là tình trạng phổ biến và hoàn toàn không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ngay khi phát hiện những cơn đau nhức âm ỉ bất thường ở ngón tay, bàn tay, độc giả cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được phát hiện sớm và điều trị dứt điểm, kịp thời.

Tìm hiểu thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *